Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Khai thác vốn văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

Phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nguồn vốn văn hóa trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu vì vai trò và lợi ích của nó đối với sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với văn hóa, lấy con người làm trung tâm. Việt Nam là quốc gia đi sau, mới tiếp cận công nghiệp văn hóa từ sau thời kỳ Đổi mới. Ngay từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (1998), Đảng bắt đầu đặt vấn đề gắn kết kinh tế với văn hóa. Đến Nghị quyết số 33-NQ/TW (2014), Đảng chính thức đưa ra 1 trong 6 nhiệm vụ là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Bài viết tìm hiểu thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (2021) nhấn mạnh: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới... Từ các quan điểm chỉ đạo trên, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh, với lợi thế về tài nguyên di sản, đã trở thành địa phương tiêu biểu trong phát triển công nghiệp văn hóa ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

Vốn văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh

Quảng Ninh là một tỉnh miền núi, duyên hải, ở địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, có tổng diện tích trên 12.200km2, trong đó có trên 6.100km2 đất liền và trên 6.100km2 diện tích mặt nước biển. Là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, Quảng Ninh hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng, đồng thời là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”. Với lợi thế về nguồn tài nguyên di sản thiên nhiên cùng vốn văn hóa phong phú, Quảng Ninh đang trong tiến trình xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa thích ứng với những bước phát triển mới của thời đại. Vốn văn hóa Quảng Ninh bao gồm chủ thể văn hóa, vốn văn hóa vật thể và phi vật thể.

Chủ thể văn hóa Quảng Ninh: là cộng đồng 22 dân tộc anh em. Từ điều kiện địa lý giao thoa đặc biệt đã tạo nên con người Quảng Ninh năng động, sáng tạo, hào sảng bởi sự kết hợp giữa văn hóa biển, văn hóa bản địa, cùng cái chất của người thợ mỏ đã làm nên khí chất con người của vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Vốn văn hóa vật thể và phi vật thể: Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa vô giá, gồm 609 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có: 5 di tích quốc gia đặc biệt (1 di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long), 52 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh, 474 di tích đã được kiểm kê, phân loại cùng 362 di sản văn hóa phi vật thể được chia làm 7 loại hình: tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công, tri thức dân gian. Các di sản này được coi là hồn cốt của tỉnh, chất chứa tinh hoa của dòng chảy văn hóa trong suốt chiều dài lịch sử, đồng thời là nguồn lực to lớn cho sự phát triển bền vững của Quảng Ninh trong quá trình hội nhập.

Thực trạng khai thác vốn văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (khảo sát ngành Nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa)

Khai thác vốn văn hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn

Hiện nay, Quảng Ninh có 1 đơn vị nghệ thuật công lập là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh và 10 đơn vị ngoài công lập. Hoạt động biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị này chủ yếu là những tiết mục ca múa nhạc dân tộc. Các hoạt động văn hóa này được tỉnh khuyến khích nhân rộng nhằm bảo tồn và lưu giữ nghệ thuật truyền thống, đồng thời là tiền đề thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Trong thời gian qua, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã phát huy nguồn vốn văn hóa từ một số loại hình diễn xướng ca dao, dân ca, dân vũ… dùng làm chất liệu của nghệ thuật biểu diễn. Đơn cử, gói sản phẩm Hoa muôn sắc được xây dựng bao gồm 12 tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du lịch. Chương trình được du khách đón nhận và đánh giá cao. Tương tự, Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều) xây dựng sản phẩm Trải nghiệm hát chèo cho du khách nước ngoài.

Trong khu vực nghệ thuật biểu diễn ngoài công lập, nổi lên có Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hạ Long. Đây là một trong những đơn vị tiên phong trong việc kết hợp du lịch trọn gói thưởng thức nghệ thuật - trải nghiệm ẩm thực, đã chọn biểu diễn văn hóa truyền thống Bắc Bộ làm ngôn ngữ kể chuyện. Giá vé khoảng 200.000 đồng, doanh thu ước đạt 200 triệu/ngày. Các vở diễn tái hiện bức tranh làng quê, cuộc sống của người dân vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ. Những tiết mục như trích đoạn chèo, dân ca quan họ, hát chầu văn, độc tấu đàn bầu và đặc biệt là màn múa rối nước... đã mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm văn hóa độc đáo, nhất là với du khách nước ngoài. Nhờ khai thác nguồn vốn văn hóa mà thị trường nghệ thuật biểu diễn ở Quảng Ninh dần hình thành, kinh doanh có hiệu quả, giúp giải quyết việc làm cho các nghệ sĩ, người lao động, tạo thêm sản phẩm văn hóa phục vụ du khách.

Khai thác vốn văn hóa trong lĩnh vực du lịch văn hóa

Hiện, Quảng Ninh có 91 điểm du lịch, 2 khu du lịch địa phương, 1 khu du lịch quốc gia. Tỉnh đang tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm gồm: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch biên giới, trong đó, du lịch văn hóa được đặc biệt quan tâm nên có nhiều khởi sắc, nhất là từ sau khi tỉnh tổ chức Carnaval Hạ Long, gây được tiếng vang, bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch văn hóa của tỉnh, tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong thời gian qua, tỉnh đã dần đưa nguồn vốn văn hóa trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa:

Du lịch văn hóa lễ hội: Hiện, Quảng Ninh có 76 lễ hội, trong đó tập trung ở lễ hội dân gian truyền thống, tổ chức vào mùa xuân như: lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội Yên Tử, lễ hội Tiên Công, lễ hội đình Trà Cổ, Móng Cái; lễ hội đình Quan Lạn và gần đây là lễ hội Carnaval Hạ Long theo phong cách quốc tế. Bên cạnh sản phẩm du lịch văn hóa lễ hội kể trên, một trong những vốn văn hóa quý giá của tỉnh phải kể đến là di sản then cổ của người Tày Quảng Ninh, nằm trong hợp phần di sản “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với nghi lễ then cổ, còn có di sản hát nhà tơ - hát cửa đình được khai thác đưa vào các tour du lịch văn hóa của tỉnh.

Du lịch văn hóa tâm linh: Quảng Ninh phát triển chuỗi các khu di tích, danh thắng tiêu biểu: di tích lịch sử nhà Trần (Đông Triều), quần thể di tích danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (Hạ Long), đền Cửa Ông (Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (Vân Đồn)… Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, Quảng Ninh đón 70-100 vạn du khách. Điều này cho thấy, vốn văn hóa về tâm linh đã và đang là thành tố quan trọng của du lịch Quảng Ninh.

Du lịch di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới đã mang lại nhiều lợi thế cho du lịch Quảng Ninh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn có di sản thiên nhiên ruộng bậc thang ở Lục Hồn (huyện Bình Liêu), được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh, cũng là tài nguyên quan trọng trong phát triển loại hình du lịch di sản thiên nhiên của tỉnh.

Du lịch làng nghề thủ công truyền thống: Một số địa phương có lợi thế phát triển làng nghề thủ công truyền thống như: gốm sứ (Đông Triều); đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (Vân Đồn)... Từ những tiềm năng sẵn có cùng với những định hướng của tỉnh, du lịch làng nghề đang được hoàn thiện theo thời gian để trở thành một sản phẩm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến với vùng đất này.

Các loại hình dịch vụ du lịch khác: Tỉnh luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí. Trong 5 năm, từ 2015-2020, lượng khách và doanh thu từ du lịch đều tăng trưởng tốt. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh đón hơn 7,7 triệu lượt khách trong đó có hơn 2,7 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2019, Quảng Ninh đón hơn 14 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế đạt trên 5,7 triệu lượt. Tổng danh thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 10.900 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 29.486 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ năm 2020 trở đi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách giảm theo thị trường. Doanh thu của ngành Du lịch văn hóa ước đạt 20% doanh thu của ngành Du lịch.

Từ những kết quả đạt được, ngành Du lịch Quảng Ninh đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhìn chung, trong thời gian qua, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên nguồn vốn văn hóa được triển khai ở Quảng Ninh bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình khai thác, phát huy nguồn vốn văn hóa trong lĩnh vực du lịch còn tồn tại một số khó khăn, thách thức, do vậy chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của xã hội. Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa còn nhiều bất cập. Trong đó, việc rà soát, hoàn thiện, xây dựng hệ thống chế độ chính sách đối với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và văn nghệ sĩ, đầu tư đặt hàng, tài trợ, khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác, thành lập quỹ sáng tác cần được chú trọng, tạo nên những chuyển biến mang tính đồng bộ để văn hóa, nghệ thuật phát triển tương xứng với vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển văn hóa của thời kỳ mới. Hoạt động đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị máy móc kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi và đặc biệt là chưa bắt kịp nhu cầu thời đại hiện nay. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các chủ thể văn hóa, đặc biệt là các cơ quan quản lý và người dân tham gia vào các công đoạn sản xuất, phân phối, kinh doanh dịch vụ văn hóa về vị trí, vai trò của vốn văn hóa trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Quảng Ninh nhằm giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa.

Hai là, tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ VHTTDL và UBND tỉnh trong việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới, trong đó ưu tiên vào những ngành mũi nhọn.

Ba là, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2021-2025, nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện chính sách và Đề án hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 với nhiều nội dung, ưu đãi, nhằm khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Bốn là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa những ngành, đơn vị liên quan trong việc thúc đẩy cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của xã hội và phục vụ xuất khẩu.

Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó cần xác định một số lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng để triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm và đem lại kết quả nhất định, làm tiền đề và động lực để phát triển các lĩnh vực khác.

Kết luận

Sau khi chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ra đời và đi vào cuộc sống, Quảng Ninh đã trở thành một trong 3 trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa tiêu biểu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh đã biết khai thác, phát huy nguồn vốn văn hóa đặc sắc của tỉnh để biến nó thành sản phẩm văn hóa mang đặc trưng riêng, tham gia vào thị trường công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra giá trị thặng dư, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 _____________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Viết Lộc, Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.

2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2016.

3. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tái bản lần 2, Nxb Giáo dục, 1999, tr.10.

4. UNESCO, Culture, trade and globalization: Questions and answers (Hỏi đáp về văn hóa, thương mại và toàn cầu hóa), en.unesco.org, 2000.

TS NGÔ ÁNH HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

;