Dịch bệnh COVID-19 (hay còn gọi là SARS - CoV-2) để lại rất nhiều hệ lụy đối với xã hội nhiều nước, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta đánh giá lại sức chịu đựng của các dân tộc trong khủng hoảng, và đối với lĩnh vực văn hóa, chúng ta cũng có nhiều bài học từ việc đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này.
1. Bài học thứ nhất: Y tế và văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, không nhất thiết phải đến từ câu chuyện y đức
Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng ta phát hiện ra tầm quan trọng của vệ sinh dịch tễ đối với văn hóa. Các sự kiện văn hóa nghệ thuật vốn tập trung đông người, là nơi dễ dàng phát tán bệnh tật. Chính vì thế, khi bệnh dịch bùng phát, việc hạn chế các sự kiện văn hóa nghệ thuật là một cách để tránh dịch bệnh lây lan. Có nhiều thắc mắc liên quan đến việc hạn chế quyền văn hóa của người dân, đặc biệt khi hàng ngàn lễ hội xuân đang đến đúng thời điểm tổ chức. Người dân chuẩn bị tinh thần, vật chất đã lâu để “tưng bừng” mở hội, thì “đùng một cái”, các lễ hội dừng! Đã từ lâu rồi, người dân không quen với việc dừng lễ hội truyền thống của mình, và rõ ràng, họ bỡ ngỡ khi các văn bản không cho phép tổ chức lễ hội được ban hành và có hiệu lực ngay lập tức. Câu chuyện ở đây là, các biện pháp quản lý trên hết sức cần thiết trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, cả nước dồn sức chống dịch để cuộc sống nhanh chóng trở lại bình thường, và chính Thủ tướng cũng phát biểu “có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo đảm sức khỏe cho người dân”, thì việc hạn chế nhu cầu văn hóa nhằm bảo đảm nhu cầu được sống cơ bản của người dân là một hành động được ủng hộ. Lúc này, chúng ta thấy ngay tầm quan trọng củ y tế. Vì y tế liên quan đến sức khỏe của từng người dân và cả cộng đồng nên việc chăm lo cho y tế là nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị và cả mỗi người dân. Những hoạt động văn hóa nghệ thuật bị ảnh hưởng dây chuyền là điều tất yếu. Việc lễ hội tạm dừng, các chương trình văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao hoãn, hủy là vì một mục đích lớn của dân tộc: sức khỏe cộng đồng trên hết. Đến lúc này, chúng ta thấy thấm thía hơn những lời cầu xin đầu năm trong những đền, chùa, miếu: sức khỏe, bình an và hạnh phúc. Và cũng thấy mối quan hệ giữa văn hóa và sức khỏe! Văn hóa với y tế lúc này không chỉ đơn giản là câu chuyện của y đức. Những nhu cầu vật chất, tâm sinh lý, trong đó sức khỏe ở vị trí trung tâm, chính là những tiền đề để phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
2. Bài học thứ hai: Vấn đề đạo đức xã hội trong giai đoạn khủng hoảng sức khỏe cộng đồng
Trong thời kỳ khó khăn luôn tồn tại hai thái độ, một là lợi dụng khó khăn để mưu lợi cho bản thân; hai là hành động chia sẻ với mọi người để cùng vượt qua khó khăn. Cả hai thái độ đó đều thể hiện tính cách, nhân cách của một con người, hay rộng hơn là đạo đức xã hội. Chúng ta hay nói: hành động định nghĩa con người. Một hành động không đơn thuần là tự phát, mà nó là kết quả của một chuỗi những tính toán vị tha và vị kỷ. Nói tất cả những điều ấy để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về những điều nên làm, đáng làm trong bối cảnh xã hội chung sức vượt qua bệnh dịch.
Quay trở lại với thực tế dịch bệnh vừa qua, ở Việt Nam, chúng ta thấy những biểu hiện xuống cấp đạo đức đau lòng khi chỉ ngay trong 3 ngày đầu công bố dịch bệnh, đã có hơn 1.200 nhà thuốc bị phạt vì vi phạm giá bán khẩu trang, hay tranh nhau mua khẩu trang, không nhường nhịn người đến sau, dẫn đến cháy hàng, và xảy ra tình trạng thu mua khẩu trang đã qua sử dụng để tái chế, bán lại cho người khác. Những hành động đó là vị kỷ, ích kỷ, trục lợi trên sự lo lắng của xã hội. Đây là những hành động đáng bị xã hội lên án vì nó làm tổn hại đến những giá trị của xã hội, trong đó có những giá trị như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”… vốn là triết lý sống của người Việt.
Phát khẩu trang miễn phí tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ảnh: Thanh Tùng
Nhưng chúng ta cũng thấy ấm lòng khi đọc được những dòng tin tức tôn vinh đạo đức kinh doanh viết về một doanh nghiệp dệt may tặng 70.000 khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân, hay dòng tin truyền cảm hứng về lòng tốt của bé gái lớp 4 viết thư cho Thủ tướng với mong muốn được góp toàn bộ tiền mừng tuổi để mua khẩu trang, phát miễn phí tại bến xe Nước ngầm (Hà Nội). Không chỉ ở Việt Nam, lòng tốt và những giá trị đạo đức đang truyền cảm hứng cho toàn thế giới. Giữa tâm bão dịch COVID-19, có rất nhiều câu chuyện về tình người ấm áp, đặc biệt là tại tâm bão - thành phố Vũ Hán. Với bác sĩ He Wei là một chuỗi ngày làm việc không biết mệt mỏi, y tá Shan Xia từ bỏ mái tóc để thuận tiện cho công việc, tránh lây nhiễm chéo, hàng trăm y bác sĩ và người tình nguyện ở khắp Trung Quốc sẵn sàng đến Vũ Hán để điều trị, giúp đỡ người bệnh, “Vũ Hán cố lên” là hashtag chiếm được nhiều sự quan tâm toàn cầu. Tất cả cho chúng ta một niềm tin, tính thiện luôn đem lại những điều tốt đẹp trong cuộc sống, và điều đó càng được thể hiện nhiều hơn trong khó khăn.
Tôi tâm đắc với ý kiến của giáo sư Tạ Phúc Chiêm (Trung Quốc) rằng: “Sự tử tế không phải là bản năng mà là một lựa chọn. Chúng ta không bao giờ nên để con cái mình sống trong một thế giới mà chúng ta nghĩ rằng lòng tốt là thứ yếu. Hoàn cảnh càng khó khăn, thế giới càng nham hiểm thì chúng ta càng nên phải dạy con về lòng tử tế” (1). Đối với một cá nhân, nghĩ cho mọi người là một trách nhiệm đạo đức. Hành động đẹp được thể hiện qua cơn bão dịch bệnh COVID-19 giúp chúng ta tin tưởng vào những điều tốt đẹp của cuộc sống. Đạo đức xã hội đôi khi không phải là điều gì đó quá to tát hay quá trừu tượng mà nó có thể được biểu hiện cụ thể qua hành động của một em bé học lớp 4, một doanh nghiệp… để lan tỏa những thông điệp tích cực của cuộc sống.
3. Bài học thứ ba: Tạm dừng sinh hoạt văn hóa trong thời kỳ dịch bệnh
Ở một góc độ nhất định, văn hóa không phải là một hiện tượng, cũng không phải là một kết quả, mà là một quá trình. Dịch bệnh vừa qua cho chúng ta một trải nghiệm về văn hóa, đó là tạm dừng các sinh hoạt truyền thống, những gì mà với nhiều người được xem là không thể tạm dừng, tạm hoãn được. Thực tế, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi về việc tạm dừng các sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là các lễ hội truyền thống chẳng hạn, có phải là một sự vi phạm quyền của người dân đối với văn hóa hay không? Liệu sẽ tạo ra những rối loạn, hay tiêu cực đối với các sinh hoạt văn hóa truyền thống hay không?...
Ở đây, chúng ta thống nhất với nhau một nguyên tắc rằng, văn hóa luôn luôn biến đổi và thích nghi với xã hội mà nó tồn tại. Trên một phương diện nào đó, những gì tồn tại luôn có lý do hợp lý của nó (không tồn tại cũng tương tự như vậy). Các sinh hoạt văn hóa không nằm ngoài quy luật này. Lễ hội truyền thống ngày hôm nay là một sản phẩm của lịch sử, không chỉ là sản phẩm của xã hội đương đại, và sẽ có sự khác biệt ở xã hội tương lai. Trong lịch sử, lễ hội truyền thống đã nhiều lần dừng tổ chức. Nếu không phải là do chiến tranh, thì cũng là do bệnh dịch hoặc thiên tai. Nếu ai đó nghiên cứu kỹ về lễ hội truyền thống, đến các làng quê, hỏi các cụ cao tuổi sẽ thấy rất rõ hoàn cảnh này. Nhiều lễ hội còn quy định hội chính, hội lệ, trong đó, hội chính có thể 3 hay 5 năm mới tổ chức 1 lần. Chính vì thế, việc tạm dừng lễ hội hay một sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nào đó không thể là nguyên nhân của sự phai nhạt văn hóa. Không những thế, việc tạm dừng nhiều khi lại là cơ hội để chúng ta điều chỉnh hành vi của mình đối với các sinh hoạt văn hóa, để các sinh hoạt văn hóa trở nên phù hợp hơn đối với xã hội đương đại. Mỗi một xã hội có văn hóa riêng của mình, văn hóa thời đại Hồ Chí Minh có lý do để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc từ những trải nghiệm của chính thời đại mình.
4. Bài học thứ tư: Thay đổi văn hóa từ thay đổi thói quen trong thời kỳ dịch bệnh
Văn hóa, ở một khía cạnh nào đó, được định nghĩa là thói quen, dần trở thành phong tục, tập quán, lối sống. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, văn hóa Việt Nam được hình thành trên cơ sở lối sống tiểu nông, trên nền tảng đó, những tính cách, đặc điểm, lối sống của người Việt dần được định hình qua năm tháng. Lối sống tiểu nông là cách thích nghi của người Việt với hoàn cảnh sống của mình. Có những đặc điểm tốt của văn hóa tiểu nông đã giúp dân tộc phát triển như sự linh hoạt, khả năng thích nghi cao…, đạt được những thành tựu, nhưng cũng có những đặc điểm, như sự tùy tiện chẳng hạn, giờ đây không còn phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của đất nước.
Văn hóa luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh sống, chính vì thế, bối cảnh dịch bệnh đã khiến cho chúng ta xem xét, thay đổi văn hóa (hay ở đây là thói quen, lối sống) để đối phó với dịch bệnh này. Từ sự kiện COVID-19, chúng ta chợt nhận ra rằng, nhiều thói quen hằng ngày đã không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại và bối cảnh đô thị, hội nhập quốc tế nữa. Thói quen khạc nhổ, vứt rác bừa bãi nơi công cộng (2), không rửa tay sạch sẽ bị lên án rất lâu, có cả các văn bản chấn chỉnh nhưng mãi vẫn không đi vào cuộc sống, hay sở thích ăn thịt động vật hoang dã, thì sau dịch bệnh COVID-19, người dân trở nên có ý thức hẳn. Bài học này cho thấy, những thói quen gì liên quan mật thiết đến tính mạng người dân, khi được tuyên truyền đúng cách, đủ liều sẽ có hiệu quả tốt.
5. Bài học thứ năm: Văn hóa số trong thời kỳ dịch bệnh
Trong vài năm trở lại đây, ở Việt Nam, chúng ta đã nói nhiều đến công dân số, xã hội số, Chính phủ số, và người ta bắt đầu đề cập nhiều hơn đến thuật ngữ văn hóa số. Chưa bao giờ những câu chuyện giao tiếp từ xa, truyền thông đại chúng, văn hóa số lại được nói nhiều như lúc này.
Văn hóa số được hiểu đơn giản là văn hóa của thời đại số, từ đó, những đặc trưng văn hóa cơ bản như lối sống, ngôn ngữ, cách giao tiếp thể hiện, có liên quan đến/bị chi phối bởi các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và mạng internet. Trong những ngày dịch bệnh, các phương tiện truyền thông mới đã ảnh hưởng rất nhiều đối với văn hóa của xã hội theo cách: giao tiếp xã hội giờ đây dựa rất nhiều vào các các phương tiện truyền thông mới. Bộ Y tế thường xuyên gửi tin nhắn về chăm sóc sức khỏe qua mạng Zalo (có trợ lý ảo - chatbot), chuyên trang cung cấp thông tin tổng hợp, giải đáp liên tục và đồng thời cho nhiều người về dịch bệnh, xử phạt các vụ vi phạm về đưa tin không đúng về lây nhiễm virus Corona trong cộng đồng (3). Việc kêu gọi giải cứu nông sản trên mạng, mua bán hàng trên mạng, học online, giao hàng ăn qua các dịch vụ Grab, Bee... tăng vọt là những hiện tượng cho thấy sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với các hiện tượng văn hóa như thế nào. Giờ đây, người dân có thông tin chủ yếu từ các phương tiện mạng. Những thông tin này giúp định hướng hành vi, thái độ và từ đó dần hình thành thói quen và lối sống của người dân. Chúng ta cũng có thêm những kinh nghiệm trong việc đối phó với tin tức giả trong cuộc chiến chống tin giả về COVID-19. Đây có thể là những bài học bổ ích cho các sự kiện văn hóa sau này.
6. Bài học thứ sáu: Bài học làm gương, truyền cảm hứng cho xã hội trong thời kỳ dịch bệnh
Thủ tướng Singapore, khi cập nhật về dịch COVID-19, viết: “Chúng ta hãy làm phận sự của mình để giúp đỡ và động viên lẫn nhau. Cùng nhau ta sẽ vượt qua thời gian khó khăn này và vươn lên mạnh mẽ hơn”(4). Những tấm gương bình dị trong cuộc sống đôi khi lại trở thành những tấm gương, bài học truyền cảm hứng cho toàn xã hội.
Trong mỗi giai đoạn khó khăn, chúng ta luôn có những tấm gương truyền cảm hứng về lòng tốt cho xã hội. Ngày 18- 2-2020, nhiều người đau xót khi chứng kiến bác sĩ Lưu Trí Minh, Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán (Trung Quốc) tử vong, hay trước đó là trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng ở Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán - 1 trong 8 bác sĩ cánh báo sớm về virus corona. Đây không phải là những trường hợp bác sĩ duy nhất tử vong vì nỗ lực cứu chữa các bệnh nhân nhiễm virus corona. Trong tuần trước đó, có 1.716 bác sĩ nhiễm virus nguy hiểm này khi cứu chữa các bệnh nhân, và rất nhiều bác sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ. Sự hy sinh của các bác sĩ chính là những tấm gương bình dị cho mọi người noi theo.
Sống cho người khác chính là trách nhiệm đạo đức làm người. Bài học đó càng thêm sâu sắc hơn trong bối cảnh khó khăn. Ở Việt Nam, trong dịch bệnh, để giải cứu nông sản, người làm bánh mì đã làm bánh mì thanh long, siêu thị gia tăng sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp. Một số thày cô pha chế nước rửa tay khô để phát miễn phí. Nhiều nơi, cảnh sát giao thông xuống đường phát khẩu trang miễn phí, làm đẹp hơn hình ảnh của người cảnh sát giao thông. Đặc biệt, phi hành đoàn Việt Nam bay đến tâm dịch Vũ Hán để đón đồng bào về nước là những hình ảnh thực sự truyền cảm hứng về lòng tốt, “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Những nghĩa cử cao đẹp được thấy rất nhiều, một lần nữa thể hiện những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam.
Như vậy, trong hiểm nguy của cuộc sống, nhiều khi làm ươm mầm những giá trị tốt đẹp. Dịch bệnh COVID-19 rất nguy hiểm với thế giới nhưng cũng là lúc chúng ta nhìn nhận, tư duy lại những gì đang có, trong đó có những vấn đề của văn hóa. Chúng ta hoàn toàn có hy vọng rằng, khi dịch bệnh đi qua, những giá trị tốt đẹp chúng ta phát hiện, tìm lại được sẽ tiếp tục sinh sôi để dân tộc trường tồn!.
_______________
1. vnexpress.net
2. Ví dụ như vứt khẩu trang bừa bãi sẽ bị xử phạt 7 triệu đồng.
3. Ví dụ như phạt 12,5 triệu đồng một phụ nữ tung tin đồn 315 người trốn khỏi vùng dịch; tung tin giả mạo 33 người tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
4. gov.sg ngày 18-2-2020.
Tác giả: Bùi Hoài Sơn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 429, tháng 3-2020