Nếu như năm 2021 được coi là năm hoàn thiện thể chế của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì sang năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn “xây dựng môi trường văn hóa cơ sở” và kiện toàn “công tác tổ chức cán bộ” là nhiệm vụ công tác trọng tâm. Có thể nói, đây là sự lựa chọn hết sức đúng đắn, kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới. “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở” và “công tác tổ chức cán bộ” chính là những lĩnh vực cơ bản, then chốt, có tác động sâu sắc đến sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, và du lịch của đất nước trong thời điểm hiện tại cũng như lâu dài.
Môi trường văn hóa cơ sở được cho là đơn vị cơ bản, có tính chất vi mô, nền tảng để hình thành nên cơ cấu môi trường văn hóa dân tộc vĩ mô rộng lớn. Chính vì vậy, để thiết thực triển khai đường lối của Đảng trong Đại hội XIII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, sức mạnh nội sinh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định lựa chọn chủ đề trước tiên trong năm công tác 2022 là xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trên các ngành, lĩnh vực, các địa phương, tỉnh, thành, trên phạm vi cả nước.
Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng được ví von như là hình ảnh “cỗ xe tam mã” độc đáo, mà trong đó văn hóa được xác định là điểm nhấn quan trọng. Văn hóa vốn là một lĩnh vực rộng lớn, liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp và các địa phương, có sức ảnh hưởng đến toàn xã hội. Khi văn hóa được chấn hưng sẽ tác động lan tỏa, thúc đẩy sự nghiệp du lịch và thể thao phát triển.
Ngày hội tại Làng VH-DL các dân tộc Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Môi trường văn hóa
“Môi trường” là khái niệm chỉ khoảng xác định, giới hạn nào đó về không gian tự nhiên cũng như không gian xã hội với những đặc trưng tương đối ổn định theo thời gian. Từ điển Tiếng Việt cắt nghĩa môi trường là “toàn bộ nói chung những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy”(1). Môi trường chính là một tổ hợp không gian xác định, bao chứa bên trong nó nhiều yếu tố theo hệ thống cấp độ vi mô và vĩ mô. Môi trường văn hóa được hiểu là một không gian tự nhiên và xã hội chứa đựng và thể hiện hệ giá trị văn hóa nhân văn của một nhóm xã hội hoặc một cộng đồng người, có khả năng chi phối và tương tác với các yếu tố tự nhiên, xã hội và con người sinh tồn trong không gian đó theo các chuẩn mực Chân, Thiện Mỹ, nhằm hoàn thiện nhân cách con người và hướng tới sự phát triển bền vững. Môi trường văn hóa có những nét cơ bản sau:
- Thứ nhất, môi trường văn hóa xuất hiện sau môi trường tự nhiên và đồng hành cùng môi trường tự nhiên theo sự sáng tạo của con người, thể hiện “dấu vết” văn hóa của con người trong lịch sử nhân loại.
- Thứ hai, môi trường văn hóa là sự “nhân hóa” không gian chứa đựng thế giới vật chất, vật thể theo một cách nào đó (tức là làm cho thế giới này thấm đẫm các giá trị nhân văn của con người);
- Thứ ba, môi trường văn hóa khi hình thành sẽ bao hàm các yếu tố tự nhiên do con người khai thác, cải tạo và sử dụng cùng với sự hiện diện các thiết chế, thể chế xã hội, các chuẩn mực văn hóa do cộng đồng thừa nhận và vận hành thông suốt.
Môi trường văn hóa cơ sở
Khái niệm “cơ sở” được hiểu là những gì căn bản có tính chất như “tế bào” trong hệ thống của một “sinh thể” lớn có tầm vóc vĩ mô. “Cơ sở” có thể là một nơi, một địa điểm, địa chỉ, trung tâm để diễn ra một hoạt động nào đó. “Cơ sở” cũng có thể là một đơn vị, một tổ chức có cơ cấu bộ máy quản lý hoàn chỉnh. Trong trường hợp môi trường văn hóa cơ sở, thì cơ sở ở đây được quan niệm là địa bàn cơ sở, đơn vị cơ sở thường là xã, phường, làng bản, phum, sóc, các đơn vị, nhà máy, công trường, xí nghiệp... Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã bổ sung, nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường văn hóa như sau:
“Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội”(2).
Môi trường văn hóa cơ sở chính là không gian văn hóa đặc thù, nơi diễn ra các hoạt động hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tại một địa bàn khu dân cư ổn định với hệ thống biểu tượng văn hóa điển hình, tạo ra diện mạo văn hóa của cụm dân cư ở địa danh cụ thể, góp phần làm nên vẻ đẹp phong phú của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở theo kế hoạch công tác năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Có thể coi môi trường văn hóa cơ sở là nét cụ thể, riêng biệt của môi trường văn hóa rộng lớn của dân tộc. Những nội dung cụ thể trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ở nước ta hiện nay bao gồm:
- Xây dựng con người văn hóa (yếu tố then chốt quan trọng nhất).
- Xây dựng gia đình văn hóa (gia đình là hạt nhân của xã hội, là môi trường văn hóa quan trọng hàng đầu để hình thành nhân cách cho các thành viên trong gia đình. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở).
- Xây dựng nếp sống lành mạnh trong các cộng đồng dân cư (lễ hội, mọi nghi thức vòng đời của con người và cộng đồng, các việc hiếu hỷ, lễ nghĩa, cư xử…).
- Xây dựng không gian văn hóa và các hoạt động văn hóa đặc thù ở khu phố, bản, làng, địa phương, ngành, nghề, lĩnh vực…
- Củng cố hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở.
Đề cập tới nhiệm vụ xây dựng, chấn hưng văn hóa, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước”(3).
Để tiếp tục triển khai quan điểm của Đại hội XIII của Đảng, đồng thời thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã coi Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở là một trong các chủ đề công tác quan trọng của năm 2022, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau:
“a) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ.
b) Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động thể thao quần chúng góp phần phát huy nhân tố con người; tăng cường, bảo vệ sức khỏe cá nhân, cộng đồng và xã hội; thu hút mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên sự gắn kết hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
d) Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng”(4).
Có thể khẳng định rằng, đây chính là các nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao mà các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên cả nước cần nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc để thiết thực chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam ta trong tình hình hiện nay.
PGS, TS NGUYỄN TOÀN THẮNG
Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
____________________
1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học - Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2005, tr.639-640.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
3. Nguyễn Phú Trọng, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.171.
4. Kế hoạch triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ” (Kèm theo Quyết định số 299/QĐ-BVHTTDL ngày 17-2-2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).