Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Trong Nghị quyết của UNESCO viết: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Ngay từ những năm 20 của TK XX, nhà thơ Ôxíp Manđenxtam sớm cảm nhận ở người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc “tỏa ra một thứ văn hóa… có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Với những cống hiến quan trọng về xây dựng nền văn hóa mới của Hồ Chí Minh, “nhân dân Việt Nam thật hạnh phúc được bước trên con đường đi đến tương lai do Người khai sơn phá thạch”.
Nhà sử học Trần Văn Giàu cho rằng Người được sinh ra trong một gia đình, vùng quê “địa linh”, giàu truyền thống văn hóa. Vùng quê đó đã sinh ra một nhân kiệt làm rạng danh cho đất nước: “Nguyễn sinh ra và lớn lên như được tắm gội trong môi trường xã hội, văn hóa ấy. Rồi đi với cha vào kinh. Với tính cần học di truyền, với trí nhớ thông minh đặc biệt, Nguyễn tiếp thu nền quốc học Việt Nam đã phát triển tới mức cao nhất từ trước tới lúc bấy giờ trên các mặt lịch sử, triết lý, văn chương cả bác học lẫn dân gian. Chính cái túi khôn ngàn đời đó sẽ giúp cho Nguyễn tha hương mà không tha hóa, lại sáng tạo được với sắc thái Việt Nam khó lẫn lộn” (1).
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh người khởi xướng phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc, giành lại độc lập tự do và một sự nghiệp văn hóa cao cả
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng cách mạng, ánh sáng văn hóa cho nhân dân Việt Nam và ánh sáng cho nhân dân các thuộc địa, các dân tộc bị áp bức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa. Người đã cùng với loài người loại trừ một trở lực to lớn trên con đường tiến lên thế giới văn minh, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử là chế độ thuộc địa”. Trong những năm bôn ba, Người đã nghĩ đến một xã hội dân chủ, công bằng, nhân đạo, khác hẳn cái xã hội áp bức, bất công ở Tổ quốc mình cũng như ở các nước khác. Luật sư Mắc Clanhvin Blôngcua hoạt động trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhớ lại: “Tôi thấy anh là một người hăng hái đấu tranh cho việc giải phóng các dân tộc thuộc địa, không riêng dân tộc Việt Nam của anh mà tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới… Tôi có cảm tưởng ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí anh và quán triệt suốt cuộc đời của anh. Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ” (2). Trong nhà tù ở Hồng Kông, cô y tá hỏi Người: “Chú làm cộng sản làm gì để bắt bớ khổ thân?”, Người nói: “Cộng sản là làm cho ai cũng sung sướng và bình đẳng, không ai bóc lột và đè nén ai”. Trên hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc với chân không nghỉ, trí óc không ngừng suy tính, Người cùng đồng chí, đồng bào đã đưa Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu
Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội (1961) - Ảnh: tư liệu
Sau khi giành độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại bước ngay vào cuộc đấu tranh quyết liệt cho sự tồn tại. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người, cả muôn người như một “quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, đoàn kết một lòng chống Pháp. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi đã minh chứng cho thiên tài lãnh đạo của Người. Là linh hồn của cuộc kháng chiến, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần quyết chiến quyết thắng, Người đã quy tụ được sức mạnh tổng hợp của dân tộc để chĩa thẳng vào kẻ thù, khiến chúng luôn bị động, bất ngờ và thất bại, còn sức chiến đấu của nhân dân ta thì như được nhân lên gấp bội, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, biến nửa nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Trước tình hình mới, Người và Trung ương Đảng lại đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược: đưa miền Bắc tiến lên CNXH và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đại thắng mùa Xuân 1975 tạo nên bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, khát vọng non sông thu về một mối đã thành hiện thực. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, thống nhất đã trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam.
Một điều không thể không nhắc tới, đó là trong suốt sự nghiệp cách mạng, với nhiều đối tượng khác nhau ở bên kia chiến tuyến, Người luôn ứng xử một cách nhân văn. Người luôn mong muốn thực hiện đường lối ngoại giao hòa bình, đối thoại, chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng với thái độ hiểu biết, nhân nhượng lẫn nhau. J. Xanhtơny kể lại sự kiện ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 trong hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ: “Những lời nói của ông, những cử chỉ của ông, thái độ của ông, con người thật của ông, tất cả đều khẳng định ông không muốn giải quyết vấn đề bằng bạo lực… Chính tư tưởng này đã khiến ông trở thành một nhân vật hiền từ, nhân hậu, được gọi là Bác Hồ, một người yêu trẻ em, sẵn sàng chụp ảnh cùng bầy trẻ, nói chuyện thân mật với nhân dân trong suốt chặng đường dài đi thăm nước Pháp, thăm hỏi những người Pháp bị thương hoặc ốm đau tại bệnh viện Lanessan…” (3). Trên cương vị cao nhất, Người chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng mối quan hệ với nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hóa có tên tuổi để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Người, cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược của nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ. Hiện tượng chưa từng có trong lịch sử này chứng tỏ khả năng kết nối, quy tụ của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Người quan niệm văn hóa liên hệ mật thiết với chính trị, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Tin theo ngọn cờ cách mạng vĩ đại - văn hóa cao cả của Người, dân tộc Việt Nam đã từ bóng tối của xiềng xích nô lệ, đói nghèo, lạc hậu, khổ đau đã giành được độc lập, tự do, hạnh phúc.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển đất nước
Người đã đưa ra quan điểm sâu sắc về vai trò, nhiệm vụ của văn hóa: văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do, có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Trên cơ sở này, hàng loạt chính sách, phong trào văn hóa do Người khởi xướng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng ở miền Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho rằng: ngay từ đầu cuộc đời cách mạng, Người đã hiểu tầm quan trọng của văn hóa đối với đời sống con người, đối với sự nghiệp giải phóng xã hội và canh tân đất nước, đối với việc xây dựng tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc. Từ tuổi thanh niên cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh luôn luôn hăng hái chiến đấu trên mặt trận văn hóa.
Theo Người, văn hóa giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự nghèo đói, dốt nát. Để cứu nguy cho nước Việt Nam non trẻ, Người nêu 6 vấn đề cấp bách trong đó nhiều công việc văn hóa: thanh toán nạn dốt, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, đạo đức mới, đạo đức cách mạng, thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết. Để xóa bỏ tư tưởng, tập quán lạc hậu của chế độ thực dân phong kiến cản trở xã hội văn minh, Người đề nghị mở cuộc vận động Đời sống mới giáo dục nhân dân đạo đức mới, đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, Người ban bố Sắc lệnh tự do tín ngưỡng và mời được nhiều nhân sĩ danh tiếng như các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ. Người tin tưởng thượng thư, đại thần của triều đình Huế như các cụ Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe… vào những chức vụ quan trọng của chính quyền. Làm được như vậy phải là con người văn hóa có tấm lòng rộng mở “chỉ sợ lòng mình không rộng, chứ không sợ người ta không theo mình” (4).
Người định hướng nền văn hóa mới phải đề cao con người, quan tâm mọi đối tượng, thành phần, tầng lớp đều được trao cơ hội vươn lên. Trong chiến lược văn hóa của Người, một vấn đề được quan tâm hàng đầu là xây dựng nền giáo dục cách mạng chân chính để con người được phát triển toàn diện và đào tạo thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Tư tưởng giáo dục của Người không bó hẹp trong việc giáo dục học vấn mà hướng tới việc đào tạo con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, đạo đức, sức khỏe để phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Với đường lối làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, Người làm việc với Ban Tuyên huấn Trung ương xuất bản sách Người tốt, việc tốt, lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng con người mới, cuộc sống mới.
Là người sống gần gũi thiên nhiên, Người luôn quan tâm đến môi trường và mối quan hệ hòa hợp con người, thiên nhiên trong sự phát triển của một quốc gia. Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ sự cần thiết phải chống thiên tai, duy trì và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cùng môi trường sinh thái và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trồng rừng, thủy lợi và cải thiện chất đất. Sự quan tâm của Người đối với việc trồng cây và bảo vệ môi trường đã vượt qua biên giới tới mức, trong các chuyến thăm nước ngoài hoặc mỗi khi tiếp đón khách ngoại quốc, Người hay tổ chức lễ trồng cây và gọi những cây này là “cây hữu nghị”, biểu tượng cho quan hệ giữa Việt Nam và thế giới cũng thể hiện thái độ tích cực đối với môi trường”. Người phát động phong trào Tết trồng cây, kêu gọi miền Bắc trồng cây cho đất nước xanh tươi và dặn các tỉnh chú ý nhân giống cho miền Nam, trồng nhiều cây miền Nam trong vườn kết nghĩa. Theo lời kêu gọi của Người, dù bom rơi, đạn nổ khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, khắp thành thị đến nông thôn những hàng cây vẫn mọc lên tươi xanh bởi bàn tay vun xới, chăm tưới mỗi ngày. Trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn giáo dục tình yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, từ trồng cây nghĩ đến trồng người. Ý tưởng cần trồng thêm cây nhỏ để có thời gian phát triển, trưởng thành đủ sức thay thế cây già cỗi là suy nghĩ sâu xa về sự nghiệp trồng người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Những chủ trương văn hóa: xóa mù chữ, trồng cây, trồng người, cải tạo môi trường sinh thái để bảo vệ môi trường sống được Người đề ra từ giữa những năm 40, đến đầu những năm 90 của TK XX đã được Liên Hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn của toàn thế giới. Khi lịch sử lùi xa một khoảng thời gian đủ dài, thế giới càng có cơ sở khẳng định ở Hồ Chí Minh một nhãn quan văn hóa tinh tường, thấu suốt, đã vạch ra những đường lối, chủ trương, phong trào văn hóa sâu sắc có giá trị bền vững tận mai sau.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn
Quan tâm đến việc xây dựng phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho con người XHCN, Người đã làm mới những khái niệm văn hóa truyền thống bằng ý nghĩa cách mạng mới mẻ của thời đại bên cạnh việc đề ra nhiều chuẩn mực đạo đức cần có ở cán bộ, đảng viên. Người cũng đồng thời là nhà báo, nhà thơ, nhà văn cách mạng, chiến sĩ tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Người am hiểu phong tục tập quán, sống hòa hợp, tôn trọng văn hóa của nhân dân. Người nói có những phong tục tốt, cần giữ lại, cũng có nhiều tập quán không tốt, cần phải thay đổi nhưng không phải tự ý cán bộ thay đổi ngay một lúc mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ và tự cải cách lấy.
Thời gian ở Thái Lan, thấy kiều bào còn chậm tiến, mê tín, ngoài dịch sách, huấn luyện thanh niên, Người thường bày cho kiều bào tổ chức diễn kịch lịch sử Việt Nam mất nước, những câu chuyện phản ánh tâm hồn, ước mơ về cuộc sống tự do hạnh phúc. Người cũng đóng một vài vai, được người xem rất thích, nhiều khi Người ứng khẩu đặt câu hát ngay tại chỗ. Thấy kiều bào hay lễ Đức Thánh Trần, Người viết Bài ca Trần Hưng Đạo, bài ca được truyền bá mau chóng, làm cho kiều bào bớt mê tín, dần dần được giác ngộ cách mạng. Ở Cao Bằng, phong tục địa phương đến chúc Tết thì được tặng quà. Người bảo mua giấy đỏ về làm phong bao, mỗi phong bao gói một đồng xu, ngoài đề: Chúc mừng năm mới. Các hội cứu quốc đến chúc Tết đều được Người tặng một phong bao với mong muốn đồng bào dùng mua báo. Năm 1946, nạn đói khắp nơi, Người đề nghị phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất đồng thời mở cuộc lạc quyên: lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước dấy lên phong trào “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”… Chỉ sau một tuần quyên góp, cả nước đã có hàng chục vạn tấn gạo cứu đói. Người phát động cuộc vận động đời sống mới nhằm giáo dục nhân dân đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính. Tiếp các đoàn đại biểu, trả lời thắc mắc: “Thưa Cụ, Cụ kêu gọi xây dựng đời sống mới sao lại thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Khổng Tử đề ra cách đây đã mấy ngàn năm?”. Người trả lời bằng so sánh dễ hiểu: “Tôi hỏi lại chú nhé? Cơm hàng ngày chúng ta ăn có từ bao lâu rồi? Không khí chúng ta thở có từ bao giờ? Thực hiện đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ đi hết cả. Những cái cũ mà vẫn thúc đẩy cuộc sống thì cần phải giữ gìn nó” (5). Người đã sáng tạo nội hàm mới mang tinh thần thời đại cho những khái niệm đạo đức quen thuộc: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư với mong muốn cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Là chiến sĩ tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng, Người sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch… phục vụ cách mạng. Những số liệu thống kê về các tác phẩm báo chí, thơ ca là minh chứng rõ ràng sức sáng tạo của nhà cách mạng - nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Báo chí là một phần con người Hồ Chí Minh, giản dị, ngắn gọn nhưng tràn đầy khí thế thúc giục hành động, mang khí phách dân tộc, thể hiện lương tâm, khát vọng của nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình. Giai đoạn đầu hoạt động cách mạng, khi mọi điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, Người tham gia trực tiếp nhiều khâu từ sáng lập, viết bài, vẽ tranh đến tổ chức in ấn, phát hành các báo như Người cùng khổ, Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Việt Nam tiền phong, Việt Nam độc lập. Giai đoạn sau, Người là cây bút tích cực, tiên phong, đi sát các vấn đề thời sự đặt ra của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam. Chú ý trình độ tiếp thu, hiểu biết của mọi người để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất, viết xong, Người thường đưa người ít chữ xem trước, chữ nào đồng chí đó không rõ nghĩa Người chữa lại ngay. Do đó, quần chúng rất ham đọc sách báo, bài viết của Người. Cả cuộc đời làm báo với tổng số 1.636 bài báo, từ bài báo đầu tiên “Vấn đề bản xứ” cho đến bài báo cuối cùng “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đều là sự thống nhất trong tấm lòng trọn đời vì nước, vì dân. Cùng với báo chí, Người còn viết nhiều tác phẩm dài, xuất bản thành sách như: Đường Kách mệnh, Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc, Đạo đức cách mạng… tuyên truyền những vấn đề nóng, thiết thực của sự nghiệp cách mạng, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con người mới.
Giống như báo chí, Người viết nhiều thơ ca tuyên truyền. Người chọn những thể loại văn học truyền thống như thơ lục bát, vè dễ thuộc, dễ nhớ để truyền đạt chủ trương, đường lối cách mạng trong quần chúng như: Địa dư các tỉnh xứ Bắc kỳ, Lịch sử Việt Nam, Mười chính sách của Việt Minh, Ca sợi chỉ… Bên cạnh đó, Người còn có nhiều tác phẩm mang giá trị nghệ thuật giữ vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam, tiêu biểu là “Nhật ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán chứa đựng tinh thần lạc quan, yêu đời, vượt qua gian khổ, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng.
Sinh thời chỉ tự nhận mình là một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nhưng thế giới không chỉ vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người đã làm rạng danh quê hương đất nước và văn hóa dân tộc trong hành trình tìm tòi, sàng lọc, điều chỉnh và phát triển tinh hoa văn hóa nhân loại. Từ người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc cho đến khi ở cương vị cao nhất và hơn tất cả là trở thành Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc, Người đã tạo nên thời đại rực rỡ với hệ thống tư tưởng sâu sắc ở nhiều lĩnh vực. Những đóng góp lớn của Người về văn hóa đan cài, thống nhất chặt chẽ trong tổng thể sự nghiệp cách mạng vĩ đại từ mấy mươi năm trước vẫn tiếp tục là định hướng quan trọng lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Với những ý nghĩa sâu rễ bền gốc ấy, Người là Nhà văn hóa kiệt xuất trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
______________
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Giàu, Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - Đặc điểm và cội nguồn, tr.240.
2, 4, 5. Đỗ Hoàng Linh, Hành trình 79 mùa xuân (1890-1969), Nxb Hồng Bàng, tr.49, 190, 181.
3. Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Hồ Chí Minh - biểu tượng của hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới, Nxb Thông tin và Truyền thông, tr.41, 42.
Tác giả: Nguyễn Thị Thu Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020