Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số - Bài cuối: Đề xuất các giải pháp đột phá

Trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS), không ít khó khăn và thách thức đã xuất hiện, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ các cấp, các ngành và cộng đồng. Để tạo dựng “sức mạnh mềm” - một nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, chúng ta phải từng bước tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng đi bền vững cho việc gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa quý báu của các DTTS.

ca xèng

Ngày hội của đồng bào Chăm - Ảnh: Tuấn Minh

Để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa DTTS, cần sự chung tay góp sức của rất nhiều bên liên quan, các chính sách cần được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện. Chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị như sau:

1. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa DTTS

Giáo dục góp phần nâng cao nhận thức

Giáo dục nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, những giá trị văn hóa sẽ có cơ hội thẩm thấu từ từ vào thế hệ trẻ, giúp các em tự hào về di sản quý báu mà cha ông truyền lại.

Để thực hiện có hiệu quả, các tài liệu giáo dục cần được biên soạn bằng cả tiếng Việt và ngôn ngữ của DTTS, để học sinh có thể học và hiểu văn hóa của mình một cách dễ dàng. Nội dung bài học được xây dựng phù hợp với từng cấp học, tập trung vào ngôn ngữ, lịch sử và các giá trị văn hóa của các DTTS.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các buổi triển lãm, lễ hội văn hóa và các cuộc thi tìm hiểu văn hóa DTTS. Các hoạt động này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về văn hóa của dân tộc mình mà còn tạo ra môi trường để các em thể hiện và tự hào về văn hóa đó.

 Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền

Tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên đề về bảo tồn văn hóa DTTS với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa và người DTTS. Những buổi nói chuyện này giúp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nâng cao ý thức của cộng đồng.

Tổ chức các lớp đào tạo nghề truyền thống, như dệt vải, làm gốm, đan lát, và các nghề thủ công khác. Điều này không chỉ bảo tồn kỹ thuật truyền thống mà còn giúp người DTTS hiểu thêm về những giá trị quý báu cần được bảo tồn, phát huy trong tương lai.

Tổ chức các ngày hội văn hóa DTTS ở cấp tỉnh, thành phố, hoặc quốc gia. Những ngày hội này là cơ hội để các DTTS trình diễn, giới thiệu và giao lưu văn hóa. Việc tổ chức, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, góp phần rất lớn vào quảng bá văn hóa độc đáo địa phương, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Bà Trần Thị Ràm (64 tuổi, Thừa Thiên Huế) bày tỏ: “Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến văn hóa của đồng bào DTTS, điều đó được thể hiện qua các chương trình giao lưu, quảng bá văn hóa với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Tôi rất tự hào khi được giới thiệu những nét độc đáo trong đời sống của đồng bào Cơ Tu đến với người dân cả nước” (1).

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy vai trò của truyền thông đại chúng: báo in, phát thanh, truyền hình… Tăng cường các chương trình về văn hóa DTTS: phóng sự, phim tài liệu, chương trình giải trí giới thiệu văn hóa dân tộc… là kênh thông tin chính thống giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Lưu trữ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận cho rằng: “Cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có ý thức, có trách nhiệm chung tay giữ gìn, bảo vệ và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, theo đó họ sẽ góp phần tích cực hơn trong hoạt động xây dựng nông thôn mới ở địa phương hiện nay. Ngoài ra, cần phải xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành, quảng bá các công trình nghiên cứu khoa học. Thác bản, dịch bản, hệ thống số hóa các tài liệu, hiện vật về văn hóa DTTS để thuận lợi cho việc tra cứu thông tin nhằm phục vụ tốt hơn cho bạn đọc, tìm hiểu và nghiên cứu” (2).

2. Đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước chính là nền tảng, cơ sở cho các chương trình hành động, đề án cụ thể được triển khai rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi những bất cập, bộc lộ nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Chính vì vậy, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách dựa trên quan điểm tôn trọng các giá trị văn hóa DTTS, tận dụng lợi thế của từng vùng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Các chính sách mới cần chú trọng đến việc hỗ trợ kinh tế và giáo dục, bảo vệ quyền lợi văn hóa, đảm bảo phát triển cân bằng giữa kinh tế và bảo tồn văn hóa. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực tế, cần có sự theo dõi, đánh giá và điều chỉnh liên tục, đồng thời lắng nghe ý kiến từ các cộng đồng DTTS. Tổ chức các buổi tham vấn, hội thảo với sự tham gia của đại diện các cộng đồng DTTS để thu thập ý kiến, phản ánh thực tế.

Cần xây dựng chính sách và ban hành các cơ chế đặc thù cho công tác văn hóa dân tộc tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tiếp tục quy hoạch, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và sử dụng, quản lý cán bộ là người DTTS làm công tác văn hóa dân tộc. Tổ chức thành lập và hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa truyền thống.

Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho người DTTS tham gia vào quá trình lập kế hoạch và thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa. Sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của các dự án.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ: “Trên thực tế, chúng ta ban hành nhiều luật pháp, chính sách để tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc khẳng định bản sắc của mình. Ở Quốc hội, chúng ta có tới 89 đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, chiếm tới 18% số đại biểu, lớn hơn so với tỷ lệ khoảng 15% trên tổng dân số Việt Nam, bảo đảm tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được lắng nghe, tham gia mọi quyết định lớn của đất nước” (3).

3. Nâng cao vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng

Những người có uy tín trong cộng đồng là những người nắm giữ nhiều giá trị văn hóa dân tộc, có vai trò dẫn dắt, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa. Nhà nước và chính quyền địa phương cần có chính sách công nhận vai trò của họ thông qua các quyết định, danh hiệu hoặc chứng nhận. Thường xuyên tổ chức các buổi lễ tôn vinh, khen thưởng cho những đóng góp của họ trong việc duy trì và phát triển văn hóa cộng đồng. Những giải thưởng này không chỉ là sự công nhận mà còn là động lực để họ tiếp tục cống hiến.

Cần có những lớp bồi dưỡng phù hợp: Về kỹ năng lãnh đạo, quản lý cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, giúp họ nâng cao khả năng lãnh đạo và quản lý các hoạt động cộng đồng hiệu quả hơn; Về kiến thức văn hóa, phong tục, tập quán và lịch sử của dân tộc mình, giúp những người có uy tín trong cộng đồng hiểu và truyền đạt những giá trị văn hóa rõ ràng hơn.

Chính quyền cần có các chương trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa do những người có uy tín trong cộng đồng khởi xướng như: kinh phí tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa và duy trì nghề truyền thống.

Mời những người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào các cuộc họp, hội thảo lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, để đảm bảo rằng các kế hoạch và chính sách sẽ phù hợp với đặc điểm văn hóa và nhu cầu thực tế của cộng đồng.

4. Bảo tồn văn hóa gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng

Du lịch cộng đồng là một phương pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS. Phát triển các tour du lịch trải nghiệm tại các bản làng DTTS không chỉ giúp bảo tồn các di sản văn hóa mà còn tạo thu nhập cho người dân địa phương. Điều này khuyến khích họ duy trì và phát triển các phong tục, tập quán và nghề truyền thống.

 Xây dựng các tour du lịch trải nghiệm: Tạo ra các tour du lịch cho phép du khách trải nghiệm trực tiếp đời sống và văn hóa của người DTTS. Các hoạt động có thể bao gồm tham gia vào các lễ hội truyền thống; thưởng thức, tham gia vào các tiết mục dân ca, dân vũ của đồng bào; học cách làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; tham quan các địa điểm văn hóa lịch sử.

Đào tạo và nâng cao năng lực cho người dân địa phương: Cung cấp các khóa đào tạo về kỹ năng quản lý du lịch, giao tiếp và phục vụ khách hàng cho người dân. Điều này giúp họ có thể tự quản lý và phát triển các hoạt động du lịch một cách chuyên nghiệp và bền vững.

Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà nghỉ, homestay và các tiện nghi cơ bản khác để đảm bảo du khách có trải nghiệm thoải mái. Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch.

Tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững: Việc phát triển các sản phẩm du lịch bền vững góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn nghệ thuật và kỹ năng truyền thống của cộng đồng. Các sản phẩm này không chỉ là biểu tượng của một nền văn hóa mà còn là kết quả của sự tìm kiếm và sáng tạo của thế hệ trước. Thông qua việc phát triển và quảng bá, chúng ta đang góp phần vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa này cho thế hệ sau. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái, Mông, Ê đê… đã trở thành những món quà lưu niệm phổ biến được du khách yêu thích.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin

Số hóa tài liệu và di sản văn hóa

Công nghệ thông tin có thể được sử dụng để bảo tồn và quảng bá văn hóa DTTS. Việc số hóa các tài liệu văn hóa, xây dựng các trang web và ứng dụng di động giới thiệu về văn hóa DTTS giúp việc tiếp cận và phổ biến thông tin trở nên dễ dàng hơn. Các thư viện số, bảo tàng ảo và cơ sở dữ liệu trực tuyến có thể lưu trữ và bảo tồn các di sản văn hóa một cách bền vững.

Cần tổ chức thu thập, số hóa và bảo quản các tài liệu, hình ảnh, video và âm thanh liên quan đến văn hóa của các DTTS. Các tài liệu này có thể bao gồm trang phục truyền thống, điệu múa, dân ca, ẩm thực và lễ hội.

Phát triển một trang web hoặc ứng dụng di động cho phép người dân truy cập thông tin về văn hóa của các DTTS. Cơ sở dữ liệu này cần được thiết kế để dễ dàng tìm kiếm và truy cập, với các tính năng bổ sung như bản đồ tương tác để giới thiệu các điểm đến văn hóa.

Sản xuất các video, bài viết và tài liệu giáo trình giúp giáo viên, học sinh và cộng đồng hiểu và trải nghiệm văn hóa của các DTTS. Nội dung này có thể được phân phối qua các kênh truyền thông xã hội, trang web và ứng dụng di động. Cung cấp các chương trình đào tạo và hỗ trợ cho các cộng đồng DTTS về cách sử dụng công nghệ thông tin để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của họ.

 Tháng 12-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, trong đó đề ra mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội. Cùng với đó, được xem là quan trọng hơn cả là 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành Di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Theo PGS, TS Vương Toàn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, cần khai thác tiện ích của công nghệ truyền thông nhằm bảo tồn ngôn ngữ DTTS có nguy cơ mai một. Việc số hóa ngôn ngữ của các DTTS là một phương án khả thi để bảo tồn văn hóa của DTTS. “Chữ viết cổ của người Thái đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10-3-2016. Với sự quan tâm này, các bộ chữ Thái cổ truyền đã được tổ chức khảo sát từ năm 2005 và do tiếng Thái vốn có nhiều phương ngữ nên cũng có nhiều bộ chữ cổ truyền phản ánh những sự khác biệt. Kết quả là đã xây dựng các bộ gõ trên Unicode do Ths Lò Mai Cương (Sơn La) và Sầm Bình (Nghệ An) xây dựng được cộng đồng chấp nhận và phổ biến” (4). Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều ngôn ngữ của các DTTS khác hiện nay chưa được số hóa.

TS Nguyễn Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng: “Giải pháp thiết thực nhất đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trong thời gian tới chính là biết tận dụng công nghệ, số hóa di sản văn hóa. Các sở, ban, ngành cần có chiến lược, kế hoạch cụ thể để số hóa di sản văn hóa. Cần tập trung xây dựng các trang web của từng dân tộc để các dân tộc có nhiều cơ hội quảng bá văn hóa của dân tộc mình. Giả sử như thành lập một trang web của người Mông và chúng ta giới thiệu về văn hóa Mông, cách họ làm thổ cẩm, dệt vải, chế biến món ăn… Số hóa di sản văn hóa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công tác bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa đến các đồng bào dân tộc thiểu số” (5).

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong triển khai Chương trình số hóa di sản, mà chủ yếu là những vướng mắc về ngân sách. Với nền văn hóa đa màu sắc như ở nước ta, việc lựa chọn số hóa di sản không phải việc “một sớm một chiều” mà cần có thời gian, kinh phí, trình độ, hạ tầng kỹ thuật…

Đẩy mạnh quảng bá văn hóa qua mạng xã hội

Bên cạnh những kênh thông tin truyền thống, chúng ta không thể bỏ qua cơ hội quảng bá văn hóa DTTS trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt cần chú trọng đến xây dựng nội dung đa dạng và hấp dẫn. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube để chia sẻ nội dung văn hóa DTTS. Các video, hình ảnh và bài viết có thể được đăng tải trên các trang cá nhân, trang doanh nghiệp, và các nhóm quan tâm đến văn hóa và du lịch. Tạo ra một cộng đồng trên mạng xã hội để tương tác và kết nối với những người quan tâm đến văn hóa DTTS. Các cuộc trò chuyện, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm có thể thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác tích cực trong cộng đồng mạng.

 Bên cạnh đó, cần sử dụng hashtag phù hợp và tối ưu hóa nội dung để thu hút sự chú ý của người dùng trên mạng xã hội. Các hashtag như #CultureHeritage, #TraditionalFestival, #IndigenousCulture... có thể nâng cao khả năng tìm kiếm nội dung văn hóa DTTS trên các nền tảng mạng xã hội.

Quảng bá văn hóa DTTS qua mạng xã hội không chỉ giúp nâng cao nhận thức về văn hóa của họ mà còn tạo ra một cơ hội để kết nối và tương tác với cộng đồng quốc tế, từ đó thúc đẩy sự đa dạng và tôn trọng văn hóa trên toàn cầu.

Bên cạnh một số giải pháp nêu trên, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm đảm bảo rằng các hoạt động bảo tồn văn hóa được thực hiện một cách hiệu quả và chuyên nghiệp. Đồng thời, cần tập trung xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhằm tạo ra môi trường thúc đẩy sự phát triển và bảo tồn văn hóa trong từng cộng đồng. Hơn nữa, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế rất cần thiết để thúc đẩy những nỗ lực bảo tồn văn hóa của các DTTS, từ việc cung cấp nguồn lực tài chính đến việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quốc tế. Khi các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ, các mô hình hay, ý tưởng tốt được lan tỏa rộng khắp, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS một cách toàn diện, bền vững trong thời đại đa văn hóa và toàn cầu hóa ngày nay.

_________________

1. Phỏng vấn bà Trần Thị Ràm, người Cơ Tu, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

2. Phỏng vấn PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

3. Phỏng vấn ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm - Lưu trữ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận.

4. Phỏng vấn PGS, TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội.

5. Phỏng vấn TS Nguyễn Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng.

Ths VÂN ANH - TS LIÊN HƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;