Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Đặc sắc văn hóa trang phục dân tộc Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang)

ca xèng

Trang phục nam, nữ Lô Lô Hoa trong Lễ hội Hoa Mộc Miên - Mèo Vạc năm 2023 - Ảnh: Lò Mí Thăng

Lô Lô là một trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, ngữ hệ Hán - Tạng. Đồng bào cư trú chủ yếu ở các huyện vùng núi cao, các xã Hồng Trị, Cô Ba, Đức Hạnh... ở hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) và các xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là, huyện Đồng Văn; thị trấn Mèo Vạc, Thượng Phùng, Xín Cái, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang). 

Dân tộc Lô Lô bao gồm Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa là dân tộc sinh sống chủ yếu ở hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm thuộc tỉnh Cao Bằng, còn một số thì sinh sống ở huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Dân tộc Lô Lô luôn có ý thức tự tôn dân tộc có tính cộng đồng cao và luôn gìn giữ văn hóa của dân tộc mình, trong đó có văn hóa trang phục.

Độc đáo trang phục của người Lô Lô Hoa - sản phẩm kinh tế du lịch tiềm năng

Với mỗi người dân tộc Lô Lô, trang phục họ mang trên mình không những chỉ có mục đích sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nó còn là sản phẩm hàm chứa giá trị thẩm mỹ, nét đẹp tinh tế, đồng thời mang những dấu ấn lịch sử, tâm linh cổ xưa của đồng bào trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển. Hiện nay, nghề dệt vải của người Lô Lô Hoa đã mai một, tuy nhiên họ vẫn bảo tồn và duy trì những kỹ thuật trang trí ghép vải khá phức tạp, các đường chỉ thêu, sự liên kết các họa tiết hoa văn hình học được lấy từ những hình ảnh trong tự nhiên và một phần tâm linh người Lô Lô Hoa, từ đó tạo ra những nét riêng đặc trưng so với dân tộc khác. Có thể thấy trên thân áo phụ nữ Lô Lô Hoa, có rất nhiều hình tam giác được khâu ghép vải, sắp xếp trong một đường diềm hình vuông tượng trưng cho bốn phương. Bên trong là các hình tam giác kèm nhau đôi một, phân chia một bên sáng một bên tối, một bên đậm màu, một bên nhạt màu. Đây cũng chính là biểu tượng của vương quốc Lô Lô cổ xưa. Ngoài hình tam giác là chủ đạo, còn có hình chim Ngó Bá là loài chim gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô Hoa, được thêu xen kẽ biểu tượng tam giác tạo nên nét hài hòa mà mang đậm bản sắc văn hóa. Trước sự biến đổi của thời gian, cuộc sống ngày càng gần hơn với sự giao lưu hội nhập, nhưng bộ trang phục này luôn là niềm tự hào của người dân Lô Lô Hoa trên những bản vùng cao.

Trang phục nam giới

Trang phục nam giới của người Lô Lô Hoa có màu chàm là chủ đạo, trong bộ trang phục của nam giới có áo cánh ngắn lưng, quần ống rộng may từ vải bông nhuộm chàm, trên đầu nam giới cũng quấn một chiếc khăn dài gần giống như khăn của người phụ nữ, có tua rua màu và đính cườm.

Quần (sang pỏ lo): theo lời kể của ông Lò Sì Páo (sinh năm 1962), đàn ông Lô Lô Hoa ở đây từ lâu mặc quần truyền thống có ống rộng như quần của người Mông hoặc Tày, Nùng, Giáy ở địa phương và giống quần của nam Lô Lô Đen. Quần màu chàm hoặc đen, cắt theo kiểu lá tọa, ống rộng và dài đến mắt cá chân, nhưng không có túi. So với áo, cắt may chiếc quần này khá đơn giản, do không phải thêu hoa văn trang trí. Tuy nhiên, hiện nay, loại quần truyền thống đó chủ yếu để mặc trong những dịp lễ hội, nhưng cũng đã có sự cải tiến bằng cách thêu và đắp ghép hoa văn như quần nữ Lô Lô Hoa. Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều đàn ông Lô Lô Hoa thích mặc loại quần bộ đội hoặc quần âu, bởi tính thông dụng và dễ mua tại các chợ địa phương.

Áo (sang pỏ pẻng): theo lời kể của bà Doãn Thị Mỷ, 74 tuổi, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, chiếc áo truyền thống của đàn ông Lô Lô Hoa ở Mèo Vạc cùng loại với chiếc áo của dân tộc Mông hoặc người Giáy trước đây, cắt dạng tứ thân từ vải bông màu chàm hoặc đen, cổ hình tròn, ống tay khá hẹp, xẻ trước ngực, cài khuy bằng vải hoặc đồng đối với những gia đình khá giả. Áo được xẻ tà và thường không có túi, nếu có thường là bốn túi không nắp ở phía trước ngực. Với đặc điểm này, công việc cắt và may khâu chiếc áo khá đơn giản, bởi vì không phải thêu hoa văn trang trí.

Khăn (sang pỏ kẻ tì): trước đây, nam giới Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc thường đội một loại khăn dài bằng vải màu chàm và cũng có thể đội bất kỳ loại mũ nào mà người đàn ông trong vùng thường đội, nhất là mũ nồi. Khăn dài của nam giới Lô Lô Hoa cũng giống như khăn dài của phụ nữ, được làm từ vải bông nhuộm chàm hoặc nhuộm đen, dài 200cm, rộng 24cm bằng khổ rộng của tấm vải bông mà đồng bào đã từng tự dệt. Trên khăn có đính khá nhiều tua rua màu và thêu hoa văn hoặc ghép vải tạo thành hình hoa văn ở hai đầu khăn. Khi đội, người ta quấn quanh đầu như cách đội khăn xếp của đàn ông người Kinh. Hiện nay, ngoài chiếc khăn truyền thống, những ngày thời tiết mát hoặc lạnh, nhiều ông già và nam trung niên Lô Lô Hoa ở nơi đây thường đội mũ nồi, riêng trẻ em nam Lô Lô rất thích đội loại mũ mà trẻ em Mông vẫn thường đội, nhưng do mẹ hoặc bà làm cho. Gần đây họ đội các loại mũ mua được từ chợ.

Giày, dép (khỉa túa): xưa kia, đàn ông Lô Lô Hoa ở huyện Mèo Vạc có đi loại giày được làm từ vải giống như giày của phụ nữ, do chính họ tự làm hoặc mua ở chợ, tuy nhiên trong những ngày thường, nhất là khi lao động, họ hay đi chân đất. Những cư dân Lô Lô Hoa có tuổi thường đi loại giày vải ba ta bằng cao su, do các nhà máy giày sản xuất. Ngày thường, nhất là khi lao động họ hay đi chợ, đồng bào đi chân đất. Thời gian gần đây, lớp thanh niên đi giày da hay loại giày vải khác đắt tiền hơn, tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình.

Trang phục nữ giới

Quần (lo pu): được may bằng vải đen, dài 80-85cm, bụng rộng 55-60cm. Quần may kiểu chân què cạp lá tọa, đũng quần rộng, ống quần từ 40-45cm. Ống quần (lo khẻ) có trang trí hoa văn ghép vải trong bố cục dải băng hình thước thợ đối xứng nhau qua hai ống. Trang trí chủ đạo là các mô típ hình tam giác cân (bá mỏ) được bố trí trong một khung hình vuông lớn với 8 tam giác cân chụm đầu vào nhau. Trên mỗi tam giác cân lại trang trí 3 tam giác nhỏ bằng vải khác màu ở chính giữa và chia cắt hình tam giác cân thành 9 tam giác to, nhỏ khác chụm đầu vào nhau. Với phong cách ghép các mảnh vải cùng và khác màu, tạo nên những hình tam giác to, nhỏ đã làm cho bố cục đồ án hoa văn của người Lô Lô Hoa vừa độc lập, vừa giao thoa chuyển tiếp, vừa tĩnh, vừa động, vừa hữu hạn vừa vô hạn: cứ 3 mô típ nhỏ trong 1 tam giác cân tạo thành một đơn vị trang trí. Nhìn rộng ra thì 2 tam giác chung đáy tạo thành 1 hình vuông, 4 tam giác đối đỉnh tạo thành bông hoa 4 cánh hay chiếc chong chóng, 8 tam giác đối đỉnh tạo thành 1 hình vuông lớn. Nhìn từ góc độ phối màu, các tam giác nhỏ màu xanh ghép trên nền vải trắng dù được ghép dưới bất cứ góc độ nào cũng “vô hình” đối đầu vào nhau, tạo nên sự liên kết liên tiếp mềm mại như ngọn cây rừng len lỏi vươn lên. Hai đầu của mảng trang trí các tam giác cân thêu những hình hoa nhỏ và hình con bướm (po li).

Áo phụ nữ nhóm Lô Lô Hoa (phẻng-phiáng) có 2 loại: áo chui đầu, cổ vuông (pon cho) và áo xẻ ngực, cổ tròn, cài khuy vải hoặc không cài khuy.

Kiểu áo chui đầu cổ vuông: hình cánh dơi, thân rộng, tay rộng nhiều màu, cổ vuông chui đầu, không có cúc. Áo gồm 4 bộ phận: ngực áo, cả mặt trước và sau là những mảnh vải đen ghép lại thành một tấm kéo dài từ cổ đến ngực và ngang lưng. Mặt trước khoét cổ hình vuông, mỗi cạnh 10cm để chui đầu, các cạnh của cổ áo thường viền vải khác màu và khâu đường chỉ nổi màu đỏ. Phía sau cổ áo táp thêm một miếng vải đỏ hình vuông mỗi cạnh 8-10cm để trang trí; thân áo gồm cả thân trước và thân sau, nối liền với ngực áo là hai mảnh vải thêu hoa văn đắp vào thân áo. Đồ án hoa văn trên thân trước gồm nhiều mô típ khác nhau như: mô típ dệt bằng chỉ xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tạo thành hai mảng trang trí. Mảng trên giáp phần ngực áo là các hình sọc màu đỏ, xanh, vàng, trắng chạy liên tiếp. Mảng dưới gồm 4 hàng ngang với các hình tam giác cân đều đặn; mô típ thêu tạo thành dải băng phía trên có hình quả trám hay hình thoi liên tiếp nhau theo chiều ngang. Phần lớn diện tích còn lại phía dưới tạo thành 9 ô hình chữ nhật nhỏ bằng nhau, mô típ chính trong các ô đó là hình chim đối đỉnh, mỗi ô có hai con đối nhau về màu sắc và chiều thể hiện; mỗi hoa văn thêu hình núi liên tiếp chiếm 1/3 diện tích phía trên, 2/3 diện tích còn lại phía dưới, tạo thành hai đoạn băng ngang chạy song song với các hình quả trám hay hình thoi. Mỗi hình thoi hay quả trám lại hợp thành bởi hai hình vuông chung một cạnh góc vuông lấp kín diện tích dải băng hình chữ nhật còn lại. Trang trí trên tay áo cũng theo nguyên tắc dải băng ngang từ vai ra cửa tay, thực chất là đắp ghép những khoanh vải màu nối tiếp nhau tạo thành. Cũng là cách trang trí ghép vải tạo thành ống tay “hình đốt” như người Hà Nhì, La Hủ... nhưng cách trang trí của phụ nữ Lô Lô Hoa cầu kỳ và độc đáo hơn. Một ống tay áo do 5-6 khoanh vải lớn ghép lại, nhưng đi vào chi tiết, mỗi khoanh màu lớn đó lại do một dải vải đỏ hoặc vải đỏ xen kẽ vải màu xanh, đen, kết hợp với một băng vải dệt hoa văn và một băng vải nhuộm màu tạo hoa văn nối tiếp nhau theo một nguyên tắc chung gồm 14-15 khoanh vải nối tiếp nhau tạo thành. Kỹ thuật trang trí trên ống tay áo theo 3 hình thức: ghép vải, thêu và thắt nút nhuộm màu. Mô típ hoa văn phổ biến là hình sao tám cánh trong các ô vuông liền nhau giữa hai đường viền hình răng cưa phía trên và dưới (nhìn ngang) hoặc hai bên (nhìn dọc). Trong mỗi hình sao tám cánh có các tam giác nhỏ đối đỉnh. Một dạng mô típ khác là hình sao tám cánh nằm chéo dấu nhân trong các ô chữ nhật kế tiếp nhau, phía trên và dưới đồ án này là hình răng cưa. Mô típ thắt nút vải trước khi nhuộm màu được biểu hiện dưới dạng hình dấu nhân xen giữa các cặp đoạn thẳng song song hai bên, trên dưới là các chấm tròn trắng. Kỹ thuật thắt nút vải nhuộm màu của nhóm Lô Lô Hoa được thực hiện như sau: những tấm vải trắng, trước khi nhuộm chàm đã dùng chỉ thắt chặt nhiều nút theo những kiểu khác nhau sao cho khi nhuộm, nước chàm không thấm được vào những nút vải đó. Khi vải nhuộm đủ độ, người ta cởi những nút thắt đó ra sẽ được những mẫu hoa văn với những kích thước, kiểu dáng khác nhau. Nách áo có hình cánh dơi, nhờ can thêm một vuông vải nối liền giữa ống tay và thân áo. Khi mặc, người ta chui đầu từ thân áo lên cổ, sau đó luồn hai tay vào hai ống tay áo một cách dễ dàng.

Kiểu áo xẻ ngực, cổ tròn: áo may bằng vải chàm đen hoặc xanh, là loại áo tứ thân xẻ ngực, cổ tròn ôm sát cổ người mặc, áo dài tay. Trên hai nẹp áo đính 5 đôi cúc vải cài hai thân với nhau. Thân áo tạo dáng thẳng từ trên xuống dưới, nách có can vải, nhưng không quá rộng để tạo hình cánh dơi như áo chui đầu. Khi mặc, áo không rộng thùng thình mà tương đối gọn gàng, ôm sát thân người mặc. Có hai cách trang trí hoa văn trên áo xẻ ngực cổ tròn: sử dụng kỹ thuật thêu để tạo hoa văn và kỹ thuật chắp ghép vải để tạo hoa văn.

Khăn đội đầu (mỏ thô qua) của phụ nữ Lô Lô Hoa được làm bằng vải tự dệt màu đen hoặc xanh chàm, rộng 20-22cm, dài 220-310cm kể cả tua vải/ tua chỉ xe ở hai đầu khăn. Tua vải đính trên mỗi đầu khăn có số lượng từ 5-6 tua, chiều rộng của tua từ 2,5-3cm, chiều dài từ 60-70cm. Vải làm tua không cùng màu với khăn mà là những dải vải riêng biệt được đính vào khăn. Vải làm tua chủ yếu là màu đen, đỏ, vàng, trắng, khi kết hợp với nhau tạo sự tương phản lớn về màu sắc. Tua chỉ xe chủ yếu là màu đen hoặc xanh chàm, tua được tạo thành bởi những đường chỉ dọc dệt khăn xe lại, độ dài của tua từ 20-30cm. Kỹ thuật trang trí hoa văn gồm 4 hình thức: ghép vải, dệt, thêu, thắt nút trước khi nhuộm màu. Mỗi trang trí trên khăn bao gồm hình răng cưa (chà khế), băng dải ghép từ nhiều đường chỉ màu (ỉu vị), các đường kẻ có màu xanh, đỏ (bá zì), hình hoa lá tạo thành dây hay đường diềm (giê), hình tam giác có các đính góc kề nhau, cứ 3 tam giác tạo thành một khối hình (bá mỏ), hình hoa thị tám cánh (bổi khế). Ngoài ra, còn có hoa văn hình sóng nước, hình con cua hay hoa cúc đối xứng, hoa văn hình học...

Khăn phía ngoài (mơ thúc) là loại khăn do chắp hai khổ vải tạo thành. Kích thước phổ biến của loại khăn này rộng 40cm, dài 110-130cm kể cả tua chỉ ở hai đầu. Điều khác biệt rõ rệt nhất giữa khăn mỏ thô qua và khăn mơ thúc là sự khác nhau về kích thước và trang trí hoa văn. Hoa văn trên khăn mỏ thô qua thường tập trung ở hai đoạn đầu khăn hoặc kéo dài hết khăn. Khăn được đội theo cách phủ lên đầu, để hở trán và mặt, sau đó quấn khăn dài ra phía ngoài.

Yếm quần (lo thố): phụ nữ Lô Lô Hoa sau khi mặc quần hoặc váy họ còn dùng một miếng vải hình chữ nhật được trang trí hoa văn rực rỡ để che bên ngoài, miếng vải đó gọi là yếm quần. Yếm quần được làm bằng vải đen hoặc xanh chàm có chiều rộng 55-60cm, dài 105-120cm. Phần trang trí hoa văn trên yếm quần chiếm 2/3-3/4 diện tích (tính theo chiều ngang). Kỹ thuật trang trí hoa văn trên yếm quần theo cách thêu và ghép vải. Mô típ thêu chủ yếu tạo hình tam giác cân, sao 8 cánh, răng cưa, quả trám, con bướm, hoa lá, chấm tròn, hình vuông, đường chỉ, dải băng trang trí... bằng chỉ nâu, đỏ, xanh lá cây, xanh lam, vàng, trắng, nâu non, chàm, đen... đan xen nhau tạo thành tổng thể đồ án thẫm màu với những hoa văn nhỏ vụn. Điều đáng lưu ý là trên toàn bộ mảng trang trí có những đường chỉ màu sáng (màu trắng, vàng) được khâu mũi dài hay thêu thành đường gân nổi chạy song song theo chiều ngang và hai đầu của mảng trang trí.

Thắt lưng (li pi pụ) của phụ nữ Lô Lô Hoa có 2 loại là sợi dây vải và vải. Thắt lưng sợi dây vải được dệt bằng tay theo kỹ thuật riêng để làm dây buộc váy, quần, xà cạp. Dây thắt lưng rộng từ 0,7-lcm, dài từ 250-400cm, tùy theo ý thích của từng người. Khi dùng, họ có thể quấn nhiều vòng quanh người, lộ ra mặt dây trang trí có màu đỏ, vàng và các sợi ngang màu đen, trắng, tạo nên các đường kẻ ngang song song đều đặn, chạy dọc suốt sợi dây. Hai đầu thắt lưng có kết tua len đính hạt cườm/ tua bằng những dải vải lụa hoa và tua của chính những sợi dọc thắt lưng se lại tạo thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ.

Xà cạp (khế ly) của phụ nữ Lô Lô Hoa có 2 loại là xà cạp ống và xà cạp quấn. Xà cạp ống được làm bằng vải đen hay vải chàm xanh, khâu hai mép vải tạo thành hình trụ dài 28cm, đầu trên rộng 22cm, đầu dưới rộng 14cm có luồn dây chun. Đầu trên của xà cạp thường dùng chỉ màu viền xung quanh ống và thêu các mô típ hình răng cưa, hình nón, hình quả trám thủng giữa, kích thước nhỏ phù hợp với diện tích của xà cạp. Khi sử dụng, người ta xỏ xà cạp từ dưới lên, sao cho phần thêu hoa văn vừa trùm kín bắp chân, đầu dưới xà cạp luồn dây chun vừa đến cổ chân, dùng dây buộc ở đầu trên, giữ cho xà cạp không bị tuột.

Bảo tồn và phát huy văn hóa trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn hiện nay

Mèo Vạc - vùng đất đa sắc màu văn hóa nằm trong vùng lõi Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO - Cao nguyên đá Đồng Văn. Nơi đây, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mê đắm lòng người; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được giữ gìn là những yếu tố giúp địa phương trở thành miền đất tiềm năng trong phát triển du lịch cộng đồng.

Trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô Hoa là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại như ngày nay, không ít người trẻ đang dần thờ ơ, lãng quên nét văn hóa này. Bảo tồn bằng hình thức trưng bày trong bảo tàng, thư viện đã khó, bảo tồn trong cuộc sống hằng ngày với xu thế phát triển hiện nay lại càng khó.

Ngày nay, dưới tác động của giao lưu văn hóa quốc tế, các yếu tố văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa của tộc người cũng phần nào bị ảnh hưởng. Bản sắc văn hóa của người Lô Lô Hoa trong đó có văn hóa trang phục cũng đang chịu những ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình hội nhập đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng… Thể hiện khá rõ khi gần đây, trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa đã có sự cách tân ít nhiều so với nguyên bản, cộng đồng người Lô Lô Hoa ở Mèo Vạc cần được tăng cường tuyên truyền tham gia vào việc bảo tồn phát huy bản sắc để hiểu giá trị quý giá về văn hóa dân tộc mình, trong đó có văn hóa trang phục:

Một là, cần nâng cao ý thức của người dân, những chủ thể sáng tạo và sử dụng chính sản phẩm mình làm ra, với giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cụ thể, đó là việc duy trì thường xuyên, tạo thành thói quen sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ở các bản làng trong đời sống hằng ngày cũng như các dịp lễ Tết…

Hai là, chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm hơn nữa trong việc khôi phục các làng nghề dệt, thêu trang phục. Từ việc quy hoạch vùng nguyên liệu và tổ chức sản xuất cho các làng nghề dệt truyền thống, thêu thủ công; phải có các đơn vị cung cấp vải sợi, thuốc nhuộm, chỉ thêu cũng như công cụ hỗ trợ cho làng nghề. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh thỏa đáng đối với những nghệ nhân, thợ giỏi, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề dệt thêu trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Ba là, xây dựng một số mô hình bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm về trang phục truyền thống dân tộc thiểu số tại các điểm du lịch cộng đồng. Xây dựng trang web quảng bá về du lịch địa phương, nơi có đồng bào Lô Lô Hoa sinh sống, trong đó, cần chú trọng giới thiệu về trang phục truyền thống của họ. Duy trì tổ chức lễ hội tạo nên không gian văn hóa để đồng bào Lô Lô có cơ hội được mặc trang phục dân tộc mình, quảng bá hình ảnh về bản sắc trang phục qua các kênh du lịch, điện ảnh...

Bốn là, tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống may, thêu trang phục, thổ cẩm dân tộc Lô Lô Hoa, trong đó Hội Phụ nữ các đoàn thể đóng vai trò quan trọng vì họ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình mà họ còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Năm là, hiện nay công nghệ thông tin đã phát triển, với nhiều ứng dụng thiết thực, hiệu quả trong cuộc sống nói chung và công tác bảo tồn trang phục truyền thống nói riêng. Đứng trước sự mai một, biến đổi, cần sớm tiến hành kiểm kê, sưu tầm, lập danh mục trang phục truyền thống của dân tộc Lô Lô Hoa, tiến hành số hóa từ tri thức dân gian, hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật, nghề dệt, kỹ thuật thêu, những câu chuyện liên quan đến trang phục. Từ việc bảo tồn trong thực tế cuộc sống, sẽ tồn tại song song là nguồn tư liệu trang phục đã được số hóa, tăng khả năng tiếp cận, nghiên cứu và định hướng bảo tồn một các thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả.

Kết luận

Trên mảnh đất hùng vĩ cao nguyên đá, ngàn đời nay, người Lô Lô vẫn gìn giữ và lưu truyền những vốn văn hóa quý báu của cha ông với những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc như: lễ hội cầu mưa, lễ mừng ngô mới, lễ mừng nhà mới, lễ cưới; các tiết mục múa trống và các điệu múa dân gian. Bên cạnh đó, dân tộc Lô Lô ở Mèo Vạc còn gìn giữ nét trang phục độc đáo, với nét hoa văn thêu tỉ mỉ, có giá trị văn hóa cao và được lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Bộ trang phục của người Lô Lô Hoa là một bộ trang phục nổi bật với màu sắc rực rỡ và hoa văn trang trí cầu kỳ mang tính nhân sinh, thẩm mỹ và đặc trưng văn hóa riêng gắn với phong tục tập quán của đồng bào mình.

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và du lịch văn hóa cộng đồng đang ngày càng phát triển, trang phục truyền thống của người Lô Lô Hoa không những tạo ra sinh kế mà còn góp phần ghi dấu ấn về văn hóa tộc người đó là những giá trị không gì có thể so sánh được.

________________

1. Điều kiện tự nhiên, meovac.hagiang.gov.vn, 29-3-2015.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Giang, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

2. Châm Nhật Tân, Nghiên cứu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Lô Lô trong hoạt động của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đề tài cấp Bộ, 2022.

3. Khổng Diễn, Trần Bình (đồng chủ biên), Dân tộc Lô Lô ở Việt Nam, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2007.

4. Hoàng Nam, Tổng quan văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013.

5. Lê Mai Oanh, Nữ phục truyền thống ở nhóm Lô Lô (nhóm Lô Lô Hoa), Tạp chí Dân tộc và Thời đại, 2005.

6. Lê Mai Oanh, Nhà trình tường của người Lô Lô, Báo Dân tộc và phát triển, 2008.

7. Ngô Đức Thịnh, Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

8. Lý Hành Sơn, Đôi nét về trang phục cổ truyền của người Lô Lô, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 2006.

9. UBND tỉnh Hà Giang, Báo cáo kết quả đề tài, khảo sát, đánh giá tổng thể di sản văn hóa cổ truyền một số dân tộc ở Hà Giang, Hà Giang, 2006.

10. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.

TS NGUYỄN THỊ TUYẾT NHUNG - Ths ĐỖ THỊ KHÁNH LY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;