Năm 2016 vừa qua là năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu (1916-1985) và 60 năm ngày mất nhà thơ Bertolt Brecht (1898-1956). Đây là hai nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam và Đức: nhà thơ Xuân Diệu, cây bút đầu đàn của phong trào Thơ mới và nhà thơ Bertolt Brecht, một thiên tài, một nhà thơ lớn bên trời Âu. Tuy sống ở hai phương trời, cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng cả hai con người này, không biết duyên nghiệp nào đã kết nối họ với những sự trùng hợp kỳ diệu. Hai người từ xứ sở của chiến tranh loạn lạc, đói nghèo, đã vươn lên trở thành hai văn sĩ nổi danh khắp châu lục, gây ảnh hưởng lớn cho các phong trào văn học Việt Nam và các nước dùng tiếng Đức ở châu Âu (Đức, Áo, Thụy Sỹ…).
1. Sự trùng hợp kỳ diệu giữa hai cái tên
Xuân Diệu và Bertolt Brecht đều là tên khai sinh, cũng là bút danh của họ. Xuân là sự bắt đầu, sự khởi đầu (mùa xuân, tuổi xuân…), là ái tình, xuân tình. Xuân Diệu có nghĩa là mùa xuân kỳ diệu.
Brecht có nghĩa là bẻ, gảy tung ra như con gà con chọc bể vỏ trứng để ngoi đầu ra, hạt mầm chọc đất để vươn lên, hình ảnh sinh sôi, nảy nở như vạn vật vào mùa xuân. Điều này trùng nghĩa với xuân tình, xuân xanh của tên Xuân Diệu. Đất được xới lên: “Ôi chúng tôi đây, những kẻ muốn xới đất cho bao tấm lòng niềm nở” (trích thơ Brecht).
Ý nghĩa hai cái tên này chi phối toàn bộ sáng tác, hoạt động của hai nhà thơ Xuân Diệu và Brecht. Cả hai cùng chào đời vào mùa xuân. Brecht sinh ngày 10-2-1898 tại Augsburg miền nam nước Đức. Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Bình Định (quê mẹ). Ngày tháng chào đời của hai thi nhân trùng hợp một cách diệu kỳ với hai cái tên đầy ý nghĩa mùa xuân: Xuân Diệu (mùa xuân kỳ diệu) và Brecht (đất nở chồi, hoa kết trái). Cuộc đời sáng tác, hoạt động của hai thi sĩ này cũng rộn ràng, thi vị, tràn đầy hy vọng, ước mơ như mùa xuân đất trời, trong những tháng ngày đầu năm. Mùa xuân là mùa ân tình của tình yêu, sinh nở. Hai cái tên đều gợi ra một thế giới động, rạo rực của mùa xuân, mùa ái tình, phồn thực với nhiều lễ hội dân gian.
Xuân Diệu và Brecht là hai ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời Á - Âu, là hai con mắt soi tỏ dưới thế gian, mà Xuân Diệu đã mô tả rất chính xác:
Ôi! Có hai hạt nào như đôi con mắt
Khi khép mi dài dài như hai quả trám
Nhưng khi mi mở, bật hai mầm sống diệu kỳ
Hai chồi xanh bật sống, sáng cả đêm khuya
Hai ánh, hai tia tinh diệu vô cùng sự sống
(Sự sống chẳng bao giờ chán nản)
Cái tên Bertolt Brecht khi đọc lên toát ra một âm thanh cuộc sống rộn ràng, dào dạt, vồ vập, hăm hở, vội vàng. Từ xuân trong Xuân Diệu cũng vang lên tràn ngập tình yêu người, yêu đời, yêu sống, yêu hoạt động, ưa chiến đấu. Cuộc sống của hai nhà thơ đều rộn ràng, dồn dập, dào dạt, tràn đầy nhựa sống mùa xuân.
2. Cuộc đời hoạt động, sáng tác
Cả hai nhà thơ đều sống trong cuộc chiến tranh tàn khốc, dân tình đói khổ, cơ cực. Brecht sinh ra, lớn lên và hoạt động trong khi nước Đức và châu Âu chìm ngập trong chiến tranh. Khi Brecht được 16 tuổi thì thế chiến thứ I bùng nổ (1914-1918), tiếp theo là thời nội chiến của Cộng hòa Weimar (1918-1933), sau đó Đệ Tam Đức Quốc xã Hitler và thế chiến thứ II (1933-1945). Lúc 37 tuổi, Brecht đã phải sống chui lủi, lưu vong ở nước ngoài, sau khi cha, mẹ, bà ngoại vì có nguồn gốc Do Thái đã bị Đức Quốc xã giết chết tại các trại tập trung. Trong thời gian 15 năm sống lưu vong ở nước ngoài, Brecht vẫn nỗ lực sáng tác, tổ chức các buổi diễn kịch thơ tại nhiều nhà hát lớn ở Paris, London, New York, Milan. Ông kết bạn với nhiều nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ nổi danh như: đạo diễn Kurt Weil (Đức), văn sĩ Hella Woulijeki (Phần Lan), nhà văn Max Frisch (Thụy Sĩ), nhà văn Thomas Mann (Đức)…
Xuân Diệu sinh vào mùa xuân (2-2-1916) tại quê mẹ ở Gò Bồi, tỉnh Bình Định nhưng lớn lên tại quê cha ở Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng đất nổi tiếng khô cằn, khó khăn của miền Trung.
Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô vàng
Đói bao thuở cơm chia phần từng bát
(Cha đằng ngoài, mẹ ở đằng trong)
Xuân Diệu sống, sáng tác, hoạt động văn học, phần lớn trong thời gian kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Từ năm 27 tuổi (1943), Xuân Diệu đã cùng Huy Cận tham gia Việt Minh bí mật chống Pháp. Năm 29 tuổi, Xuân Diệu công khai tổ chức cuộc diễn thuyết đầu tiên về đề tài sinh viên với quốc văn. Năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa, cướp chính quyền tại Hà Nội. Từ buổi ấy, Xuân Diệu hăng say sáng tác, hoạt động chính trị, văn nghệ chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do, công lý cho đồng bào. Xuân Diệu đi nhiều, có mặt ở nhiều miền đất nước để cổ động, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.
Cả hai nhà thơ đều có một năng lực sáng tác phi thường, dẫu phải sống trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đời sống cơ cực thiếu thốn, phải chui lủi trốn khủng bố, bom đạn. Brecht đã sáng tác hơn 51 vở kịch, 545 cuốn tiểu thuyết, 1027 bài thơ, hơn 2000 bài tiểu luận về văn hóa, nghệ thuật chính trị, xã hội… Nhiều vở kịch của Brecht được cho là kiệt tác. Theo thống kê, chỉ trong khoảng thời gian 1956-1966, kịch của ông đã được công diễn 1436 lần tại 53 quốc gia trên thế giới. Brecht hoạt động hăng say cho văn học. Ông sáng lập và làm giám đốc chỉ đạo đoàn văn công Berlin danh tiếng (Berliner Ensemble) gồm 60 diễn viên đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông tham dự nhiều hội nghị của các nhà văn tại nhiều nước. Brecht là người khởi xướng nhiều loại kịch mới: kịch tự sự biện chứng (dialetic theatre), kịch tự sự (epic theatre). Brecht là người tiên phong trong sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực mới: chủ nghĩa hiện thực biểu hiện, chủ nghĩa hiện thực phê phán… Brecht và nhà văn trứ danh Đức Thomas Mann là hai nhân vật nổi tiếng trên văn đàn châu Âu thời ấy.
Xuân Diệu cũng có một sự nghiệp văn thơ đồ sộ không kém. Theo thống kê đến năm 1987, ông sáng tác gần 50 tập sách, trong đó có: 17 tập thơ (trong đó tập Thơ thơ được tái bản nhiều lần), riêng thơ tình ông đã có khoảng 700 bài, 7 truyện ngắn và bút ký, 20 tập tiểu luận phê bình văn học, 6 tập thơ dịch (các nhà thơ Pháp, Liên Xô, khu vực các nước Đông Âu, Cuba).
Bên cạnh sáng tác văn thơ, Xuân Diệu còn hoạt động hăng say trong việc đào tạo, giảng dạy, bình văn thơ, đưa văn thơ về với cuộc sống, công chúng. Ông đã có khoảng 500 cuộc bình thơ trước công chúng. Thơ Xuân Diệu được dịch ra nhiều thứ tiếng. Xuân Diệu với tư cách đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam đã tham gia nhiều đoàn công tác tại Pháp, Đức (1946 với đồng chí Phạm Văn Đồng), Liên Xô và Hungari (1956), Ấn Độ (1958), Bungari (1971), Pháp (1981), nói chuyện về thơ tại các Đại Học Paris VII, Nice, thuyết trình bằng tiếng Pháp với chủ đề Sự đóng góp của thơ Pháp vào thơ Việt Nam… Trong các buổi làm việc ở nước ngoài, ông có tấm lòng ưu ái với bà con Việt kiều. Cũng như Brecht, ông rất cảm thông với đồng bào sống xa quê hương.
Xuân Diệu còn hoạt động chính trị đồng hành cùng dân tộc như tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội (8-1945), đại biểu quốc hội khóa I (1946-1956), vào Đảng Cộng sản Việt Nam (1949), tham gia các đợt phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất ở Nghệ An, Thanh Hóa (1949)…, Xuân Diệu đã sống hết mình cho văn thơ, nhân dân, tổ quốc trong công cuộc chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.
Xuân Diệu và Brecht đều có cùng chủ đích chống ngoại xâm, bảo vệ hòa bình, công lý theo hướng xã hội chủ nghĩa. Brecht và cả gia đình là nạn nhân của Đức Quốc xã. Ông luôn nằm trong danh sách truy nã của Gestapo. Phải sống chui lủi, di tản khắp nơi nên văn thơ ông chủ trương chống chủ nghĩa độc tài phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, công lý cho dân lành. Văn thơ ông mang đậm tính chủ nghĩa duy vật, chủ trương dùng văn thơ như một vũ khí cải tạo xã hội:
Ôi chúng tôi đây
Những kẻ muốn xới đất cho bao tấm lòng niềm nở
Chúng ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước). Brecht là nhà thơ phê bình sân khấu cho tờ báo địa phương của Đảng Cộng sản Đức. Ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Đức, đồng thời là giám đốc Tạp chí Văn học chống phát xít tại Mascova. Văn thơ Brecht thấm đậm tình yêu tổ quốc. Khi phải rời xa quê hương lưu vong ra nước ngoài, ông kiên định:
Khi tôi phải ra đi…
Tôi mang theo tổ quốc Đức của tôi
Hỡi nước Đức, tôi phải xa người
Ngày mai tôi sẽ về với đất nước…
Xuân Diệu quan niệm thơ văn là vũ khí sắc bén chống giặc ngoại xâm, nâng cao giáo dục dân trí, đổi mới tư duy. Với Xuân Diệu, cây bút là cây súng. Tuy ái tình có vị trí quan trọng trong thơ ca ông, nhưng cảm hứng về đất nước, nhân dân, hình tượng tổ quốc cũng là nét chủ đạo trong thơ ca Xuân Diệu:
Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi
Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu
Tôi sống với cuộc đời chiến đấu
Của triệu người yêu dấu gian lao
(Những đêm hành quân)
Giới phê bình văn học đã viết rất nhiều và đánh giá cao vai trò của Xuân Diệu trong phong trào Thơ mới cũng như phong cách nghệ thuật thơ của ông. Trước hết, Xuân Diệu là một nhà thơ về tình yêu: “Kể từ xưa tới nay, có thể coi Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tình say mê nhất và phong phú nhất” (Hà Xuân Trường). Theo nhà thơ Tế Hanh, trong những đỉnh cao của Thơ mới như: Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử, Thế Lữ, Huy Cận, Chế Lan Viên… thì Xuân Diệu là người tiêu biểu nhất. Chế Lan Viên khẳng định Xuân Diệu từng là một bóng cây to che mát một vườn văn học Việt Nam nửa thế kỷ này. Các văn nghệ sĩ nước ngoài cũng đánh giá Xuân Diệu là một “thiên tài độc đáo” (nhà thơ Liên Xô M.Hinxkt), “nhà dịch giả kiệt xuất” (nhà thơ Bungari Blaga Dimitơrova).
Cũng như Xuân Diệu, nhà thơ Brecht được văn học Đức và văn đàn thế giới đánh giá cao. Nhà phê bình văn học danh tiếng Đức Leon Feuchtwanger đã khẳng định rằng nước Đức có nhiều bậc thày ngôn ngữ, nhưng sáng tạo ngôn ngữ trong TK XX này thì chỉ có một người, đó là Brecht. Nhà văn Thụy Sỹ nổi tiếng Max Frisch ca ngợi Brecht là một người tị nạn phải rời bỏ bao nơi trú ngụ, một khách bộ hành lưu lạc trong thời đại chúng ta, một con người tên là Brecht, một nhà bác học, một nhà thơ.
Chúng ta nhận thấy có một số điểm chung giữa hai nhà thơ lớn Xuân Diệu và Brecht. Xuân Diệu và Brecht giống nhau ở mảnh đất quê hương và lịch sử dân tộc. Xuân Diệu trưởng thành trên mảnh đất khô cằn Nghệ Tĩnh, phải cần cù siêng năng, tháo vát để vươn lên. Cuộc đời gắn với những năm dài chiến tranh đầy gian khổ, bất thường. Brecht vốn là người Do Thái, sinh ra và lớn lên tại Đức. Nước Do Thái (Israel) là một quốc gia bé nhỏ (22.145km²) với dân số 6 triệu người, nằm ở Trung Cận Đông bên bờ Địa Trung Hải là một dãy đất gồm núi đồi trơ trụi, sa mạc khô cằn, tài nguyên nghèo, khí hậu nóng, khô. Cũng như Việt Nam, lịch sử lâu dài hơn 3000 năm của Do Thái là một chuỗi dài những năm tháng lưu đày, nô lệ, phân tán do bị xâm chiếm bởi các đế quốc Trung Đông, Ai Cập, La Mã cổ đại… Vương quốc Israel được thành lập vào năm 1021 trước CN, nhưng có một lịch sử đầy đau thương. Đất nước bị chia đôi (như Việt Nam) vào TK X: Israel ở miền Bắc và Giu Đa ở miền Nam. Sau đó, vương quốc Bắc và Nam đều bị nước Asiri xâm chiếm, dân chúng bị bắt làm tù binh, nô lệ suốt 50 năm tại Babylon. Sau đó, dân tộc Israel bị các đế quốc khác thay nhau xâm chiếm, bắt dân làm nô lệ. Cuộc khởi nghĩa chống đế quốc La Mã thất bại, dân tộc Do Thái bị phân tán trong các cộng đồng nhỏ khắp Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Một nhà nước Israel mới xuất hiện năm 1945, sau cuộc thảm sát 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung của phát xít Đức. Từ ngày lập quốc đến ngày nay, dân Do Thái luôn phải đối mặt với sự thù địch của các nước láng giềng (cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel), ngày nay là Palestine và nhiều nước khối Ả Rập khác.
Xuân Diệu và Brecht là hai đóa hoa tươi đẹp từ mảnh đất cằn cỗi, đầy chông gai (chiến tranh loạn lạc, bắt bớ, đói nghèo). Chính hoàn cảnh khó khăn thời ấy đã hun đúc, nuôi dưỡng chí khí của hai nhà thơ. Xuân Diệu đã ví mình như bông hoa linh lam xinh đẹp của ngày xuân ngoi lên qua lớp tuyết lạnh lẽo của mùa đông giá rét.
Thơ của Xuân Diệu và Brecht đều đượm “mùi tổ quốc” (chữ của nhà thơ Lê Huy Mậu trong Bữa cơm ở NewYork). Cả hai nhà thơ đều yêu quê hương, tổ quốc sâu nặng, ân nghĩa máu thịt. Vần thơ của họ được tạo nên từ mảnh đất của quê hương, in dấu tay lao động của nhân dân quần chúng. Thơ ca của họ là nơi gặp gỡ đời riêng thi sĩ và số phận chung của dân tộc. Xuân Diệu và Brecht đều yêu tha thiết tiếng nói dân tộc mình, cảm nhận được “hơi thở nồng ấm của tiếng mẹ đẻ mà họ yêu da diết như chính hồn của dân tộc” (Huy Cận, Nửa thế kỷ tình bạn). Cả hai đã sống hết mình cho văn thơ và phục vụ dân tộc. Brecht cương quyết: “Tiếng gọi ta quay về/ Viết bằng lời đất nước”, còn Xuân Diệu bày tỏ:
Tuy vậy, tôi đã sống hết mình
Suốt đời không một phút coi khinh…
Cái quả cam này đã vắt hết
Hiến cho non nước, hiến đời thân
(Không đề)
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : NGUYỄN TIẾN HỮU