Nguồn: baothaibinh.com.vn
Bây giờ là tháng Bảy. Tháng đầu tiên của một phần hai quãng thời gian trong năm còn lại. Với tôi, tháng Bảy luôn mang một hình dáng thật đặc biệt, một cảm xúc khác lạ mà các tháng khác không bao giờ có được. Những tháng Bảy cũ đã trôi qua, và những tháng Bảy tiếp nối tôi tin vẫn sẽ là những khoảnh khắc ngọt ngào, khó có thể diễn tả trọn vẹn bằng lời.
Tôi thích tháng Bảy của những ngày thơ ấu. Ở quê tôi, tháng Bảy vẫn còn nắng nóng nhưng chẳng hề chi với lũ trẻ con vì vẫn đang trong kì nghỉ hè nên được rong chơi thỏa thích. Hoặc nếu không rong chơi thì đi chăn trâu, cắt cỏ, đi hái củi cũng sung sướng vô cùng. Sáng sớm ngủ đãy giấc, mở mắt ra đã thấy mặt trời thức dậy từ lúc nào rồi, tôi vội vàng xuống bếp lục bát cơm nguội, uống một bụng nước no căng rồi dong trâu lên đồi đi thả cùng chúng bạn. Mỗi lần nhớ chăn trâu tôi lại nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Giang Nam: “Ai bảo chăn trâu là khổ/ Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”. Chăn trâu đối với chúng tôi lúc đó không đơn thuần là một công việc mà đó còn là trò chơi mà đứa nào cũng háo hức, thích thú. Trên quả đồi đầy cây xanh, quả dại và hương hoa dại thơm ngào ngạt có đám trẻ mục đồng ngồi chụm chân nhau bên một khoảng đất trống nhặt những viên sỏi chơi trò ô ăn quan, chi chi chành chành, trồng nụ trồng hoa… Lẫn trong tiếng nói cười của đám mục đồng là tiếng chim hót líu lo trên cao. Chim khướu có giọng thánh thót, ngân vang. Chim quốc thì như tiếng gõ từng hồi vào không trung, chim sẻ lại ríu ra ríu rít… Chúng tôi đúng nghĩa nằm ngửa mặt lên trời, thi thoảng lại nhắm mắt và “mơ màng nghe chim hót”.
Nhớ tháng Bảy là tôi lại nhớ tới khoảnh sân đầy nắng mẹ phơi đầy ắp những cây vừng (mè), cây đỗ đen. Mẹ thường sai tôi lật trở đám cây giữa cơn nắng cho được khô giòn. Lần nào vội vàng quên mang dép là y như rằng chân nhảy lò cò như nhảy trên đống lửa bỏng rát, lại phải quay cuồng vào nhà lấy dép bị mẹ mắng cho một trận nhớ đời. Khoảnh sân đó vẫn bỏng rát cho tới tận chiều muộn. Thời gian sau, bố tôi đưa ra ý kiến trồng giàn hoa giấy trước sân để lấy bóng mát, còn mẹ tôi thì lại đề xuất trồng mấy cây mãng cầu, bởi mẹ thích loại trái cây này. Cãi cự qua lại cho xôm nhà thế rồi sau đó một giàn hoa giấy được bố làm giàn thật đẹp, thêm một cây mãng cầu sum suê lá, trĩu quả khiến mẹ thích cười tít cả mắt. Riêng mấy đứa con thì hạnh phúc vô cùng, vì lúc nào cũng khoe với chúng bạn nhà có khoảng sân mát mẻ, có hoa giấy nở rộ đẹp mê li và mãng cầu thì ngon phải biết. Cũng từ khoảng sân nho nhỏ đó đã in dấu bao kỷ niệm. Tôi nhớ cứ tối tối, mấy bác hàng xóm lại qua nhà chơi, ngồi trên chiếc chõng tre uống nước vối, chè xanh kể chuyện đời xưa và đời nay. Những hôm bị mất điện, mọi người đến đông hơn. Dường như ai cũng muốn quên đi cái nóng mùa hè đang hiện hữu. Chỉ có vậy thôi mà khi đi xa ai cũng nhớ vô cùng, nhắc mãi kỷ niệm xưa.
Tháng Bảy tôi nhớ (hay nói đúng hơn là thương) ánh mắt mờ đục của ông. Ông tôi ngày xưa là một người lính Cụ Hồ. Tuổi trẻ, ông rong ruổi cùng đồng đội vào Nam ra Bắc đánh giặc ngoại xâm. Ông đã có một thời thanh xuân tươi đẹp, kiên cường và dũng cảm. Tháng Bảy có ngày Thương binh - Liệt sĩ, ngày mà những người như ông luôn đau đáu nhớ về những đồng đội không may nằm xuống chiến trường, máu nhuộm đỏ vào đất. Tôi nhìn những tấm huân, huy chương của ông lấp lánh, lòng tự hào và nguyện sẽ sống một đời có ích để không phụ lòng thế hệ ông cha.
Tháng Bảy của tôi, của người con xa xứ hơn hai mươi năm luôn thân thương trong lòng với hình bóng quê nhà, có mẹ, có cha, có ánh mắt mờ đục của người ông đáng kính. Đường đời quá dài và nhiều trắc trở, mỗi khi tôi ngoái lại, tháng Bảy vẫn hiện hữu thật thân thương, tiếp thêm cho tôi động lực để vững vàng bước đi…
NGỌC LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024