Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Lễ cấp sắc người Dao Đỏ ở huyện Na Hang (Tuyên Quang)

Lễ cấp sắc là một lễ lớn trong hệ thống nghi lễ của người Dao ở Việt Nam, nơi hội tụ nhiều bản sắc văn hóa mang dấu ấn rất riêng. Lễ cấp sắc được coi là lễ chứng thực cho sự trưởng thành của đàn ông Dao, để họ được tham gia và quyết định các công việc, hoạt động lớn của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là địa bàn cư trú của nhóm người Dao Đỏ, cộng đồng nơi đây đã lưu giữ, bảo tồn và phát huy lễ cấp sắc, thể hiện bản sắc độc đáo của văn hóa tộc người.

ca xèng

Lễ cấp sắc cho các thành viên gia đình ông Triệu Xuân Trìu (xã Năng Khả, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) - Ảnh: Triệu Thị Nhất

Dao Đỏ và Dao Tiền là hai nhóm Dao chính sinh sống trên địa bàn huyện Na Hang. Trong đó, nhóm Dao Tiền cư trú tập trung tại xã Hồng Thái, nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, rừng núi cao phù hợp cho việc canh tác ruộng bậc thang và trồng các loại cây nhiệt đới như mận, lê, chè shan tuyết...; nhóm Dao Đỏ phân bố đều hơn, tập trung đông nhất ở các xã Sinh Long, Sơn Phú, Đà Vị, Năng Khả, Thanh Tương, Trùng Khánh, Xuân Tân, Xuân Tiến, Vĩnh Yên. Năm 2002, thực hiện dự án di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, người Dao Đỏ thuộc các xã Vĩnh Yên, Xuân Tân, Xuân Tiến, Trùng Khánh đã di dân, tái định cư đến một số huyện khác trong tỉnh. Năm 2011, huyện Na Hang được chia tách làm hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Điều này đã tác động không nhỏ tới người Dao Đỏ - một dân tộc vốn có tính cố kết cộng đồng bền chặt thông qua các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Tuy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Dao Đỏ nơi đây có nhiều thay đổi, nhưng một số giá trị văn hóa truyền thống có vai trò, ý nghĩa quan trọng với cộng đồng vẫn được người Dao Đỏ trao truyền, lưu giữ và thực hành cho đến ngày nay. Một trong những giá trị văn hóa đó là hệ thống nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng.

1. Lễ cấp sắc trong hệ thống nghi lễ của người Dao Đỏ

Người Dao Đỏ nói riêng và các nhóm ngành Dao khác nói chung đều có hệ thống nghi lễ rất đa dạng và phong phú. Xuất phát từ quan niệm dân gian về các loại ma (bao gồm cả ma lành và ma ác) đều có cuộc sống riêng ở thế giới âm (zdầm kên) như con người và vạn vật ở thế giới dương (zdàng kên). Thế giới âm là nơi mà các loại ma sinh sống, bằng trí tuệ và mắt thường không thể nhìn thấy hay chạm vào được nhưng nó luôn tồn tại, quan sát, tác động đến cuộc sống của con người và vạn vật ở thế giới thực. Nó có thể ban phước lành hay gây ốm đau, bệnh tật thông qua việc tác động vào phần hồn của con người. Người Dao Đỏ quan niệm, con người gồm hai phần: phần hồn và phần xác. Phần xác là hình hài của cơ thể, cái hữu hình mà chúng ta có thể nhìn thấy, sờ, nắm... Phần hồn là thực thể mà chúng ta không nhìn thấy, tồn tại bên trong, vô hình, là cái vĩnh hằng, sau khi chết (thể xác không còn), phần hồn có cuộc sống khác ở thế giới âm, được về với tổ tiên. Họ cũng cho rằng, phần hồn mới là phần quan trọng quyết định đến sức khỏe của con người và vạn vật. Vì thế, khi gặp ốm đau, bệnh tật, hoạn nạn, bấp bênh, trắc trở, khó khăn trong cuộc sống... ngoài việc sử dụng các bài thuốc dân gian từ tự nhiên để chữa bệnh cho phần xác thì họ chăm sóc, bảo vệ phần hồn thông qua hệ thống nghi lễ để giao tiếp với các loại ma nhằm chuộc hồn, bắt hồn, cầu mong phù hộ, bảo vệ cho phần hồn của họ. Do đó, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội người Dao Đỏ đều tồn tại các quan niệm và nghi lễ nhằm cầu mong sự bình an, điểm tựa tinh thần cho con người trước mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống. Hệ thống nghi lễ trong tín ngưỡng người Dao Đỏ ở Na Hang nói riêng và Tuyên Quang nói chung được chia thành 2 loại: tiểu lễ và đại lễ.

Tiểu lễ được thực hiện bởi thày cúng đã hoặc chưa cấp sắc. Đại lễ là những lễ lớn (có từ hai nghi lễ trở lên, thỉnh Ngọc Hoàng) đòi hỏi thày cúng chính bắt buộc phải qua lễ cấp sắc mới có khả năng thực hiện. Lễ cấp sắc là nghi lễ nằm trong hệ thống các nghi lễ trong chu kỳ của đời người, hầu hết đàn ông Dao Đỏ đều phải trải qua, đặc biệt là những người đàn ông muốn trở thành thày cúng cao tay, nâng khả năng thực hiện các đại lễ, bắt buộc họ phải trải qua lễ cấp sắc 7 đèn, trở thành con cháu của Ngọc Hoàng, đệ tử của các vị thánh Tam Thanh, được cấp dấu, bằng sắc, âm binh tướng mã trợ giúp cho việc thực hành các nghi lễ.

2. Lễ cấp sắc trong cộng đồng người Dao Đỏ

Người Dao Đỏ ở Na Hang gọi lễ cấp sắc là quá tang. Khác với một số nhóm Dao khác, người Dao Đỏ ở nơi đây thường làm lễ cấp sắc sau khi đã kết hôn. Theo họ, quan trọng nhất trong lễ cấp sắc là cấp dấu và bằng sắc. Bằng sắc (zdàng chấy - zdầm chấy = giấy dương - âm) được hiểu giấy chứng nhận đã được cấp sắc và là giấy chứng nhận kết hôn ở đường âm được tổ tiên, Ngọc Hoàng, các vị Tam Thanh chứng giám là vợ chồng, sau này chết về thế giới âm sẽ tìm thấy nhau và tiếp tục làm vợ chồng. Bằng sắc rất quan trọng với người đã cấp sắc, vì vậy các đôi vợ chồng phải giữ thật kỹ, không tự ý lấy ra xem, sử dụng, sau này, khi mất mang đối chiếu Ngọc Hoàng, chấp nhận hồn ma tổ tiên, làm chứng cho hồn ma tổ tiên ở thế giới bên kia. Dấu, người Dao Đỏ gọi là zấn, được cấp cùng với bằng sắc trong lễ cấp sắc, dùng để đóng dấu khi viết các sớ trong lễ giải hạn, lễ cúng lớn và khi đi cúng cho người khác. Các thày cúng giữ cẩn thận và không được làm mất dấu, sau này chết mang theo, nếu không may bị mất có thể bị người khác yểm phép, làm hại.

Họ quan niệm rằng, sau cấp sắc, ma tổ tiên sẽ được cách ly khỏi các loại ma xấu. Người được cấp sắc được cấp phép gọi Ngọc Hoàng, trở thành con cháu của Ngọc Hoàng, có quyền khiếu kiện, trực tiếp giao tiếp với Ngọc Hoàng, trở thành người có quyền, chức sắc, danh giá được Ngọc Hoàng, các vị thánh và tổ tiên bảo vệ. Vợ chồng kết hôn ở đường âm, được Ngọc Hoàng, tổ tiên và các vị thần linh chứng nhận làm vợ chồng, có âm binh, người hầu kẻ hạ, có thần linh trợ giúp, có người bảo vệ không sợ bị ma cũng như các loại ma thuật làm hại.

Người Dao Đỏ ở Na Hang cấp sắc theo 3 bậc từ thấp lên cao: cấp sắc 3 đèn (phàm thoi), 7 đèn (striết phing), 12 đèn (phàm cháy phàm tẩu). Tuy nhiên, các nghi lễ (số đèn được cấp) lại phụ thuộc vào từng dòng họ, không phải họ nào, chi nào cũng theo quy luật cấp đèn từ thấp lên cao. Có những dòng họ chỉ cấp 7 đèn, có dòng họ cấp đền đủ ba bậc từ 3-12 đèn. Ví dụ: họ Phùng (Nà Mu) cấp 12 đèn Tam Thanh; họ Triệu: chi Triệu Xanh cấp 7 đèn Hành Sư (Hành phây), Triệu Trắng cấp 12 đèn Tam Thanh, Triệu Đỏ chỉ được phép cấp 3 đèn (Phàm thoi); họ Đặng (Phia Chang) cấp 3 đèn và 7 đèn Tam Thanh nhưng tổ chức chung một lễ, thêm số lượng thày cúng của 3 đèn. Sự khác nhau này dựa trên những gì tổ tiên để lại, ghi trên sách cúng của mỗi dòng họ. Hiện nay, người Dao Đỏ ở Na Hang chỉ cấp đến 7 đèn, không còn ai nhớ cấp sắc 12 đèn vì có nhiều kiêng kỵ khắt khe, tốn kém, cũng như thiếu thày cúng có trình độ để cấp được 12 đèn. Một số kiêng kỵ như: “nuôi lợn riêng, kiêng 1 năm vợ chồng không được gần nhau (không ăn cùng, không ngủ cùng). Con trai theo bố, con gái theo mẹ. Không nói chuyện, cười đùa, tục tĩu, nói những lời tiêu cực, không cãi nhau, tranh chấp, ăn trộm. Nếu ai đó cố tình trêu chọc, chọc giận thì phải kiềm chế bản thân, đúng thì trả lời, không đúng thì quay lưng đi” (1).

Để thực hiện lễ cấp sắc cho mỗi chi trong các dòng họ, đòi hỏi thày cúng phải biết chữ Nôm Dao, có sự hiểu biết nhất định về tập quán của các chi/ dòng họ. Họ nào không có gia phả, không có ghi chép lịch sử dòng họ thì không thực hiện được lễ cấp sắc vì thày cúng không biết và nắm được toàn bộ ma tổ tiên, làm không đúng sẽ phạm phải ma tổ tiên. Do số đèn được phép cấp không giống nhau nên các nghi lễ trong lễ cấp sắc của các chi cũng khác nhau, số lượng nghi lễ, trình tự, số tranh và số thày cúng thực hiện nghi lễ khác nhau.

Theo khảo sát tại lễ cấp sắc 7 đèn Hành Sư của thày cúng Triệu Xuân Trìu ở xã Năng Khả, nghi lễ diễn ra trong 3 ngày, cấp sắc cho 4 thành viên gồm: người bố Triệu Tài Ú (đã mất chưa cấp sắc), Triệu Xuân Trìu và hai con trai với 5 nghi lễ chính: lễ dâng hương (pháo hung), lễ khai đàn (khoi tàn), lễ cởi bỏ ma xấu (stre), lễ cấp đèn (quá tang), lễ hóa vàng (dùn pùn). Trong lễ cấp đèn, các đệ tử được cấp cầu làm phép, cấp phép, cấp quyền, cấp áo quan, nhận các vị thánh sư, tạ ơn các vị thánh thần, tổ tiên, hồn lúa. Lễ hóa vàng để kết thúc, tạ lễ và tiễn đưa Ngọc Hoàng, các vị thánh, ma tổ tiên về trời.

Lễ cấp sắc ở Na Hang thường được tiến hành vào mùa nông nhàn, đặc biệt sau thu hoạch hoặc mùa xuân để có đủ các điều kiện kinh tế phục vụ cho tổ chức. Họ tránh tổ chức lễ cấp sắc vào những năm kiêng của các chi/ dòng họ, năm có người mất hoặc năm tuổi của các thành viên được cấp sắc. Vì theo họ, nếu tổ chức vào các năm này không những không mang lại may mắn mà còn làm hại đến thày cúng, thành viên trong gia đình.

Ngày nay, cấp sắc của người Dao ở Na Hang có mật độ khác nhau, phụ thuộc vào khu vực cư trú mà có những yếu tố tác động đến sự biến đổi, mai một văn hóa của cộng đồng. Người Dao Đỏ ở thôn Phia Chang (Sơn Phú) cho rằng: cấp sắc không chỉ chứng minh sự trưởng thành mà là bước để họ và tổ tiên được Ngọc Hoàng, các vị thánh thần bảo vệ, không sợ bị ma làm hại. Đến ngày nay, hầu hết đàn ông từ 30 tuổi trở lên đều làm lễ cấp sắc, trừ các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, người Dao Đỏ ở các địa phương khác như thôn Nà Chao (xã Năng Khả); Nà Lạ, Nà Mu (xã Sơn Phú); Bản Lục (xã Đà Vị) có quan điểm khác, theo họ: không tổ chức được lễ cấp sắc cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, nên hầu hết không thực hiện nghi lễ này, chỉ có thày cúng mới cần thiết phải làm để học phép cao hơn. Vì vậy, lễ cấp sắc hiện nay đã bị hạn chế tổ chức do chính tộc người, điều đó đã làm mai một và mất dần bản sắc văn hóa của dân tộc.

3. Lễ cấp sắc và thày cúng người Dao Đỏ

Lễ cấp sắc là điều kiện để thày cúng học tập trở thành thày cúng cao tay

Người Dao Đỏ hành nghề tâm linh được gọi là thày cúng, không phân biệt trình độ cao, thấp. Trong cộng đồng người Dao tồn tại một loại thày cúng, gọi là chấu miên miền, tức là cúng ma. Thày cúng là người đàn ông bình thường, có thể là bậc cha, chú, bác, anh em, thông thạo các loại nghi lễ, biết chữ Nôm Dao, nắm được các tri thức, phong tục tập quán của dân tộc. Thày cúng có khả năng thực hiện các tiểu lễ gọi là sip miến miền có thể đã được hoặc chưa được cấp sắc. Các thày cúng có khả năng thực hành các đại lễ được gọi là chấu sai miền - tức là ngoài khả năng thỉnh các ma, còn được cấp và điều khiển âm binh, được Ngọc Hoàng, các vị thánh Tam Thanh ban phép và hỗ trợ thực hành các nghi lễ. Có thể thấy rằng, thày cúng của người Dao Đỏ Na Hang không bắt buộc phải qua cấp sắc. Cấp sắc là điều kiện để nâng khả năng của thày cúng từ síp miến miền lên chấu sai miền, được cấp ấn thánh, phép thánh, được quyền khiếu kiện thỉnh gọi Ngọc Hoàng giúp đỡ trong việc hành nghề ở các nghi lễ lớn. Trải qua cấp sắc 7 đèn, thày cúng được cấp con dấu, được phép thổi tù và (ngùng cong - sừng trâu) cung thỉnh Ngọc Hoàng. Theo quan niệm của họ, “Chiếc tù và là nhạc cụ có quyền năng cao nhất được thày cúng cấp sắc 7 đèn trở lên thổi bốn hồi trầm hùng, da diết vang bốn phương trời, chín tầng mây, vọng đến Thiên cung của Ngọc Hoàng, cung thỉnh Ngọc Hoàng cấp tốc xuống trần gian, đến nhà người có nghi lễ cúng để chứng giám và phù hộ cho gia đình tổ chức nghi lễ đảm bảo an toàn” (2).

Cấp sắc không có tính quyết định đến trình độ của thày cúng

Cấp sắc là điều kiện để trở thành thày cúng cao tay và quyết định đến khả năng của thày cúng, nhưng trình độ của họ lại phụ thuộc vào quá trình tu dưỡng, học tập đối với mỗi loại nghi lễ, vị trí mà họ đảm nhiệm. Vị trí của các thày cúng trong một số nghi lễ lớn là tiêu chí để phân biệt trình độ: lễ cấp sắc 3 đèn, có 3 thày: thày chính - khoi giáo sai, thứ 2 - pù chổng sai, thứ 3 - chềnh mềnh sai; lễ cấp sắc 7 đèn có 7 thày: thày cả - strì giáo sai, thứ 2 - dần giáo sai, thứ 3 - sầu piu (thường thày thứ 2 sẽ kiêm thày thứ 3 bằng cách lấy tên âm của chủ gia tiên như ông hoặc bố), thứ 4 - khoi tàn sai, thứ 5 - chềnh mềnh sai, thứ 6 - sàm phát sai, thứ 7 - pù kí/ pù chổng sai; đám chay, có 3 hoặc 4 thày, tùy theo mỗi dòng họ: thày chính - phúng strây sai, thứ 2 - khoi tàn sai, thứ 3 - tìu panh sai, thứ 4 - thìn mòng sai; lễ cởi bỏ ma xấu (stre), có 3 thày: thày cả - dần giáo, thứ 2 - khoi tàn, thứ 3 - ké chim.

Theo các thày cúng người Dao Đỏ, ở mỗi nghi lễ đều có thánh, thày và phép riêng. Vì vậy, các thày cúng sau khi cấp sắc phải đi nhận thày (piết giáo) riêng cho từng loại nghi lễ, từng vị trí. Phải học từ vị trí nhỏ cho tới vị trí lớn. Vì vậy, các thày cúng có khả năng thực hiện vị trí 1 trong các nghi lễ lớn kể trên cùng với thời gian hành nghề lâu năm được cộng đồng gọi là các thày cúng cao tay. Ở Na Hang, cũng có rất nhiều đàn ông Dao Đỏ được cấp sắc 7 đèn nhưng không làm thày cúng và có thày cúng cấp 7 đèn chỉ làm thày síp miến chứ không làm chấu sai, vì còn phụ thuộc vào thày cúng đó có biết chữ Nôm Dao hay không, có đi piết giáo thêm về các phép thuật khác hay không. Như thày cúng Triệu Tiến Long (1938, Phia Chang), Chúc Ỳ Loàng (1944, Nà Lạ)... là thày cấp sắc 7 đèn nhưng chỉ học síp miến; thày Hưng (Bản Lục), thày Hiếu (Nà Mu), thày Thiên (Phia Chang), thày Tiến (Nà Cọn)... đều cấp sắc 7 đèn nhưng chỉ giữ vị trí thứ 3, 4 trong các nghi lễ lớn. Trong các đại lễ, lễ lớn nhất là lễ cấp sắc 12 đèn (Phàm cháy Phàm tẩu hoặc Stẩu slai) và lễ cúng Bàn Vương (Chấu Đàng). Ai có thể làm thày chính ở một trong hai nghi lễ này sẽ được cả cộng đồng kính nể, trọng vọng.

Cấp sắc và các vị thánh bảo trợ nghề nghiệp trong nghề thày cúng

Theo tục lệ của người Dao Đỏ, lễ cấp sắc phụ thuộc vào truyền thống của mỗi dòng họ, được phép cấp đèn Tam Thanh hay đèn Hành Sư. Nếu ai thuộc dòng họ được cấp đèn Tam Thanh sẽ trở thành thày cúng Tam Thanh, sau này có thể làm thày cả đi cấp đèn Tam Thanh cho các đệ tử hoặc làm dần giáo trong cấp sắc Tam Thanh và Hành Sư. Thày thuộc dòng họ được cấp đèn Hành Sư, chỉ được làm strì giáo trong cấp sắc Hành Sư. Những họ cấp sắc đèn Hành Sư không được làm thày chính trong lễ cấp sắc đèn Tam Thanh, muốn đi cấp phải làm lễ trình xin sư thày cấp đèn Tam Thanh cấp phép, ban âm binh, tướng mã. Tuy nhiên, họ thường không làm như vậy, vì uy lực của phép thuật mạnh hơn, có thể các thần linh, âm binh, người phù trợ cho thày cúng đó không chịu được, hại đến sức khỏe thân thể thày cúng, sức mạnh của các thần linh phù trợ. Sự phân biệt này chỉ áp dụng khi làm các thày chính trong lễ cấp sắc liên quan đến sức mạnh của những vị thánh để truyền cho các đệ tử, còn lại các vị trí khác trong lễ cấp sắc và các lễ khác không phân biệt. Vì vậy, giữa các thày cúng có thể học nghề và truyền nghề, truyền phép cho nhau; hỗ trợ giúp đỡ nhau thực hành các nghi lễ cúng chữa bệnh, đám chay, bùa chú, phép thuật...

4. Thay lời kết

Lễ cấp sắc là lễ lớn nằm trong các đại lễ của người Dao Đỏ ở Na Hang, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, giáo dục nhân văn sâu sắc. Các giá trị văn hóa tộc người được thể hiện thông qua hệ thống nghi lễ, các loại tranh thờ, nhạc cụ, điệu múa nghi lễ, trang phục, ẩm thực, tính cố kết cộng đồng trong quá trình tổ chức. Qua nội dung các bài cúng, gia phả của mỗi chi hay dòng họ phản ánh quá trình di cư của một dòng họ hay cả cộng đồng nhóm Dao Đỏ ở Na Hang. Tính giáo dục nhân văn thể hiện sự tương thân tương ái, hỗ trợ đoàn kết nhau trong quá trình tổ chức nghi lễ, đặc biệt là lời răn dạy trong bằng sắc của lễ cấp sắc có tính giáo dục cao về những điều người cấp sắc được làm hay không được làm với con người, thiên nhiên và vạn vật; sự biết ơn tổ tiên, các vị thánh thần đã hỗ trợ, phù trợ cho người thực hiện nghi lễ và sau nghi lễ. Chính vì vậy, các cá nhân người Dao Đỏ đã được cấp sắc càng sống có tình yêu thương sâu sắc, thấm nhuần những điều răn dạy, để luôn làm những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nâng cao tầm hiểu biết, uy thế của mình đối với cộng đồng dân tộc.

Lễ cấp sắc người Dao Đỏ ở Na Hang trên cơ sở những điểm chung với các nhóm Dao khác, còn mang một số nét độc đáo riêng biệt:

Đây là nghi lễ quan trọng trong đời người, nhưng không phải ai cũng cấp sắc mà phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Đối với những người muốn làm thày cúng cao tay buộc phải trải qua lễ cấp sắc 7 đèn mới được cấp phép thổi tù và gọi Ngọc Hoàng.

Người Dao Đỏ chỉ cấp sắc sau khi đã kết hôn vì họ cho rằng, mỗi người chỉ kết hôn một lần trong đời, người nào được cấp bằng sắc được Ngọc Hoàng, các vị thánh, tổ tiên chứng nhận làm vợ chồng thì sau này chết đi sẽ được tiếp tục công nhận là vợ chồng ở thế giới bên kia, về đoàn tụ với tổ tiên. Do đó, trước đây, người Dao Đỏ ít xảy ra các trường hợp ly dị hoặc nhiều vợ vì những người vợ không được cấp sắc sẽ không được tổ tiên công nhận.

Số lượng đèn được cấp trong mỗi chi hay dòng họ khác nhau, không phải chi/ dòng họ nào cũng làm các lễ cấp đèn từ thấp đến cao, có chi/ dòng họ chỉ được làm một lễ cấp 7 đèn, có chi/ dòng họ làm cả lễ cấp 3 bậc: 3, 7, 12 đèn...

Với mỗi chi/ dòng họ, những vị thánh trong lễ cấp sắc sẽ không giống nhau mà dựa trên quy định của tổ tiên. Do đó, thày cúng thực hiện nghi lễ, trình tự và số lượng các nghi lễ và các bộ tranh thờ được sử dụng khác nhau.

Trước khi làm lễ cấp sắc bắt buộc phải làm lễ cởi bỏ ma xấu (stre), tức là các loại ma quỷ còn đeo bám ma tổ tiên, chuộc các tội lỗi cho ma tổ tiên đã từng gây ra ở thế giới trần gian hoặc thế giới âm, sắp xếp trật tự, ban binh tướng... Lễ stre có thể tiến hành cùng lễ cấp sắc hoặc tách rời tùy theo điều kiện, hoàn cảnh các chi/ họ hay gia đình. Hiện nay, người Dao Đỏ ở một số địa phương không làm lễ cấp sắc nhưng vẫn duy trì lễ cởi bỏ ma xấu để tạ ơn và cầu mong sự phù trợ của tổ tiên, các vị thánh thần cho cuộc sống no đủ, bình an.

Những người đã được cấp sắc, sau khi mất, làm đám chay phải được thực hiện bởi các thày cúng cao tay đã được cấp sắc 7 đèn, có phép thỉnh gọi các vị thánh, thần và điều khiển các binh tướng mạnh.

Có thể nói, lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Na Hang là một trong những nét văn hóa độc đáo rất riêng biệt thể hiện bản sắc văn hóa của tộc người. Trong quá trình hội nhập, phát triển, nhất là trong xu hướng phát triển du lịch cộng đồng như hiện nay, việc khai thác các phong tục tập quán nói chung và lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Na Hang nói riêng sẽ là điểm nhấn trong hệ sinh thái các sản phẩm du lịch có sức thu hút và hấp dẫn đối với du khách, góp phần phổ biến, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống người Dao Đỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

_____________________

1. Theo thày cúng Bàn Kim Sơn (87 tuổi) ở xã Sơn Phú, huyện Na Hang, Tuyên Quang.

2. Bàn Minh Đoàn, Bàn Xuân Triều, Văn hóa người Dao Tuyên Quang, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2019, tr.40-56.

Tài liệu tham khảo

1. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Văn hóa phi vật thể các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nxb Văn hóa Thông tin - Công ty Văn hóa Trí tuệ Việt, Hà Nội, 2006.

2. Nguyễn Vũ Phan, Lễ cấp sắc của người Dao tỉnh Tuyên Quang, Luận án Tiến sĩ Nhân học, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017.

Ths TRIỆU THỊ NHẤT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;