Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong tranh dân gian Đông Hồ

ca xèng

Tranh Bà Triệu cưỡi voi - Nguồn ảnh: bacninh.com

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, tạo thành truyền thống chống giặc ngoại xâm bất khuất của người Việt Nam, là những bài học quý báu đối với các thế hệ mai sau. Truyền thống ấy đã được thể hiện, ghi lại trong văn chương, sử sách và cả trong nghệ thuật tạo hình. Tranh Đông Hồ là một trong những thể loại đồ họa cổ có số lượng thể hiện đề tài lịch sử nhiều nhất trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam. Mỗi bức tranh thuộc chủ đề này trong dòng tranh dân gian Đông Hồ đều có sự lựa chọn hình tượng nhân vật và ngôn ngữ tạo hình độc đáo, vừa cô đọng, súc tích và cũng rất hiệu quả, phản ánh chân thực, sinh động và nổi bật truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc.

Đông Hồ là một làng quê ven sông Cầu, tên nôm là làng Mái, nay là xã Đông Mại, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tranh Đông Hồ tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ được nhân dân ta lưu giữ cho đến ngày nay như một nét văn hóa truyền thống. Nét đặc thù của tranh Đông Hồ là được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu, thường chỉ dùng bốn màu cơ bản: xanh, đỏ, tím, vàng, mỗi màu dùng một bản và bản nét (màu đen) được in sau cùng. Đề tài của tranh Đông Hồ khá phong phú: chúc tụng, sinh hoạt, thờ cúng và lịch sử. Riêng với đề tài lịch sử, tuy không chiếm số lượng nhiều như hai đề tài chúc tụng và sinh hoạt nhưng cũng có số lượng khá phong phú, phản ánh truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường bất khuất của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử.

Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc được lựa chọn thể hiện trong tranh Đông Hồ ngay từ một sự kiện ở buổi bình minh lịch sử nước Văn Lang - Âu Lạc (3000-179 TCN) còn mới sơ khai đã phải gồng mình chống chọi với giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi. Bức tranh Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân là một trong những bức tranh tiêu biểu thể hiện lịch sử đấu tranh giữ nước trong giai đoạn này, cho ta thấy được lịch sử hào hùng của nước Việt thuở sơ khai ấy.

Câu chuyện truyền thuyết được kể lại trong dân gian về cậu bé làng Gióng ba năm nằm trên chõng chẳng nói, chẳng cười, nhưng vừa nghe tiếng sứ giả cầu hiền tài đi đánh giặc ngoại xâm thì đã vụt lớn như thổi, ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, rồi lên đường ra trận… (1) đã thể hiện trong tranh Phù Đổng Thiên Vương phá giặc Ân. Chàng Gióng là nhân vật chính được khắc họa sinh động vạm vỡ, cường tráng, cưỡi trên con ngựa sắt màu đỏ đang phi nước đại, tay cầm cây tre dùng làm vũ khí quật vào quân giặc, cùng đoàn nghĩa quân theo một hướng lao về phía trước có quân thù. Hình ảnh những tên giặc tan tác, vứt bỏ đao kiếm, chạy theo nhiều ngả, một số bị thương hoặc bỏ mạng dưới vó ngựa. Phía trước của chàng Gióng khi ra trận có người dân đang cầm cờ dẫn đường; phía sau, là hình ảnh đội quân hùng hậu đang tiến về phía quân thù với khí thế như chẻ tre, như thác đổ. Trước khi ra trận, họ vốn là những người nông dân cày ruộng, hiền lành, chăm chỉ trên cánh đồng thửa ruộng của mình. Khi có giặc ngoại xâm, xâm chiếm biên cương, bờ cõi, họ đã nhất tề theo chàng Gióng làng Phù Đổng xông ra mặt trận tiêu diệt quân thù. Hình ảnh trong bức tranh dân gian cho thấy, ngay từ thuở sơ khai của dân tộc, cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của ông cha ta đã là một cuộc kháng chiến toàn dân. Câu chuyện Thánh Gióng biểu hiện tinh thần chiến đấu bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân cư Việt thời cổ, người anh hùng làng Gióng là hình ảnh của dân tộc Việt Nam vụt lớn và trưởng thành trong gian lao, hiểm nguy khi đối mặt với giặc ngoại xâm mà kẻ thù luôn ở thế mạnh hơn mình gấp bội phần. Cộng đồng người Việt ngay từ đầu đã thể hiện tinh thần đoàn kết, cố kết chặt chẽ với nhau trên tinh thần dân tộc và với tâm thế vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Đó là hai mặt cơ bản tạo thành truyền thống quý báu của dân tộc mà ngay từ thuở lập quốc.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ, tiến tới xây dựng quốc gia phong kiến độc lập (từ cuối TK II TCN đến đầu TK X), khi nhà Hán áp đặt ách thống trị và bóc lột tàn bạo, nặng nề lên cư dân Việt, mặc dù tương quan lực lượng chênh lệch rất lớn, nhân dân ta vẫn không ngừng đấu tranh giành quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc (từ năm 11 TCN đến năm 938), không lúc nào người Việt không có những cuộc khởi nghĩa nổ ra chống lại ách thống trị tàn bạo của phương Bắc. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng, tiếp đó là những cuộc khởi nghĩa lớn, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu long trời lở đất khiến cho kẻ thù phải kinh hồn, bạt vía. Trong hệ thống tranh dân gian Đông Hồ, có đủ những bức tranh thể hiện sinh động hình ảnh đánh giặc giữ nước oanh liệt của các bậc nữ anh hùng dân tộc.

Hai Bà Trưng là tên gọi chung của hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai nhân vật lịch sử đã đi vào thơ ca, truyện kể, trong những bài học của sách giáo khoa… Sử sách nhắc đến hai bà như những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của nhà Hán, lập ra vương quốc Lĩnh Nam với kinh đô tại Mê Linh. Không chấp nhận về việc Thái thú Tô Định áp đặt nhiều chính sách cai trị tàn bạo và giết chồng mình là Thi Sách, Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị nổi binh và đánh giặc, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam và tự lập làm Vua, xưng là Trưng Nữ Vương. Bức tranh Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước thể hiện hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi trên hai con voi lớn, tay cầm kiếm hùng dũng xông trận. Quân giặc sợ hãi chạy phía trước, hai bà chạy đuổi theo ở phía sau, một số tên giặc chạy không kịp nằm dưới chân voi. Màu sắc chủ đạo trong tranh gồm xanh, đỏ, hồng, đen. Việc sử dụng mảng đen thể hiện con voi to lớn đã tạo nên sự vững chắc của bố cục cũng như sự vững chãi của nhân vật chính trên lưng voi, đối ngược với những cử chỉ bất ngờ, bị động của quân địch. Trong tranh, nghệ nhân đã biết sử dụng luật cận viễn, gần to xa nhỏ, chia các lớp trước, lớp sau tạo nên một bức tranh sinh động về lịch sử đánh giặc hào hùng của dân tộc…

Cùng hình ảnh con voi màu đen, trong tranh Bà Triệu đánh giặc, con voi còn có thêm động tác đánh giặc cùng chủ nhân, nó dùng vòi để đánh quân thù, điều này cho thấy ý chí rõ ràng của việc tập hợp lòng quân, lòng dân. Trên lưng voi, Bà Triệu hiện lên thật mạnh mẽ, phi thường, hai tay cầm gươm, cùng đội quân đang thúc voi hướng về phía trước. Bên cạnh bà và phía sau có các vị tướng cùng quân lính tay phất cầm cờ, tay cầm giáo mác đang xông trận. Phía trước là hình ảnh quân địch, kẻ nằm rạp dưới mặt đất, kẻ giơ hai tay hàng, kẻ đang bị voi dùng vòi cuốn bay lên. Nổi tiếng với câu nói đi vào sử sách: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta” (2), Bà Triệu đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống xâm lược của quân Đông Ngô, do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy. Câu nói bất hủ của người con gái anh hùng của dân tộc Việt đã tỏ chí khí mà ngàn sau, dân Việt mãi còn kính phục. Đặc biệt qua bức tranh, nghệ nhân dân gian xưa đã lột tả được thần thần thái của tuyến nhân vật: Bà Triệu và quân ta tuy dũng mãnh, oai nghiêm những vẫn hiền hậu, thể hiện chính nghĩa, còn quân thù thì được lột tả với những đường nét vừa dữ dằn, vừa nhớn nhác và nỗi sợ hãi của những tên giặc ngoại xâm tàn bạo, thất trận, phi nghĩa.

Cũng khắc họa hình ảnh Bà Triệu, nhưng ở bức tranh Bà Triệu cưỡi voi, người nghệ nhân dân gian lại thể hiện hình ảnh nữ tướng lịch sử trong một tư thế khác, vừa oai phong lẫm liệt nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp phúc hậu, dịu dàng của người phụ nữ Việt. Đặc biệt, trên tay bà không cầm gươm, giáo. Có lẽ đó chính là nét chủ đạo trong tranh làng Hồ về đề tài lịch sử. Người Việt không hề thích chiến tranh, bạo lực và đẫm máu, luôn luôn khát vọng hòa bình.

Nhân dân ta đã trưởng thành qua các cuộc đấu tranh để giữ nước, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 938, chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền đã đánh bại ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước, kéo dài trên một ngàn năm. Tranh dân gian Đông Hồ Ngô Quyền đánh giặc đã thể hiện rất rõ hào khí đó.

Ngô Quyền người ở Đường Lâm (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Ông có chí lớn, mưu cao, tài kiêm văn võ. Cuối năm 938, Vua Nam Hán ra lệnh cho hàng trăm vạn quân, do thái tử Lưu Hoằng Thao chỉ huy, ồ ạt kéo sang xâm chiếm nước ta. Trận chiến oanh liệt diễn ra trên sông Bạch Đằng, Hoằng Thao chết trận, còn quân giặc phần bị giết, phần bị chết chìm hoặc bị bắt, thiệt hại quá nửa, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn một nghìn năm của dân tộc ta. Hình ảnh Ngô Quyền chống quân Nam Hán trên trận sông Bạch Đằng đã được nghệ nhân làng tranh Đông Hồ khắc họa với tư thế oai phong lẫm liệt để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Ông dáng cao lớn đứng trên đầu thuyền, thân mặc võ phục, một tay cầm kiếm, một tay chỉ đạo quân hướng về phía chiến thuyền của giặc. Quanh ông là những người lính cầm cờ, cung và giáo đang sẵn sàng chiến đấu. Phía dưới sông, thuyền của quân giặc đang chìm, quân giặc đang bơi kêu cứu dưới lòng sông. Gây sự chú ý nhất về nghệ thuật tạo hình trong tranh có lẽ là sự kết hợp của hệ thống nét trong tranh, sự chiếm lĩnh của hệ thống nét đen cong mềm mại của những con sóng kết hợp với một số nét thẳng, nét xiên, phối hợp cùng với mảng màu xanh, đỏ tạo nên ấn tượng đặc biệt.

Cũng trong TK X vừa thoát ra khỏi nạn Bắc thuộc, dân tộc ta lại đứng trước nạn nội chiến, cát cứ gây đau khổ cho nhân dân. Trong bối cảnh đó, Đinh Bộ Lĩnh là nhân vật xuất chúng hơn người, nổi lên đáp ứng sứ mạng của lịch sử. Đinh Tiên Hoàng (tức Đinh Bộ Lĩnh), người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình, con trai ông Đinh Công Trứ, một Nha tướng của Dương Quảng Nghệ, giữ chức Thứ sử Châu Hoan. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê, thường ngày đi chăn trâu, Lĩnh hay bắt lũ trẻ khoanh tay làm kiệu để ngồi, rồi cho chúng rước quanh đồng và lấy bông lau làm cờ, bày trận giả để đánh nhau... Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Trong bức tranh Cờ lau tập trận, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh ngồi trên con trâu đen đang chỉ huy đám trẻ vác cờ tập trận. Bức tranh toát lên tinh thần thượng võ của dân tộc với hình ảnh cụ thể, nhân vật đại diện mang tính tiêu biểu, chính là vị vua tài năng Đinh Bộ Lĩnh, khiến các thế hệ sau không khỏi tự hào. Ở bức tranh Vua Đinh Tiên Hoàng, hình ảnh Vua Đinh Tiên Hoàng hồi nhỏ vai vác cờ lau đứng trên lưng rồng. Tranh ghi lại giai thoại lịch sử của Đinh Bộ Lĩnh hồi nhỏ, trong một lần Đinh Bộ Lĩnh cùng với người chú của mình “giao tranh” trên sông nước thì bỗng có một con rồng lớn nổi lên cõng Đinh Bộ Lĩnh, người chú sửng sốt vái lạy. Tranh sử dụng đường nét trên thân rồng khá phức tạp nhưng được nghệ nhân xử lý khéo léo với màu đơn sắc đã tạo nên sự vừa phải, phù hợp. Thủ pháp tạo hình trong bức tranh là sự kết hợp giữa cõi huyềncõi thực. Ở đây rồng là hình ảnh biểu trưng cho đế vương, cũng là hình ảnh của cõi huyền, còn hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh hồi nhỏ là hình ảnh thực. Với những bậc vĩ nhân như Đinh Tiên Hoàng thì ngay từ nhỏ đã có những khí chất khác thường của mệnh đế vương. Hình ảnh Vua Đinh Tiên Hoàng hồi nhỏ cầm cờ lau cưỡi rồng là một hình ảnh vừa thơ mộng, vừa oai hùng trong ký ức của người dân Việt.

Sau nhà Đinh, nhà Tiền Lê đánh giặc giữ nước, phát huy truyền thống của cha ông, rồi đến nhà Lý. Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ vùng núi non hiểm trở địa thế chật hẹp ở Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội) và đổi tên thành Thăng Long. Vào những năm cuối đời Lý, nền kinh tế của nước nhà sa sút, đời sống nhân dân xuống thấp. Nhà Trần thay thế nhà Lý. Dưới thời Trần, ba lần quân Nguyên - Mông sang xâm lược. Các chiến thắng Đông Bộ Đầu (258), Hàm Tử Quan (285), Bạch Đằng (1288) đã được ghi vào trang sử vàng chói lọi chống ngoại xâm của dân tộc như những chiến công hiển hách.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1226-1300) là danh tướng thời nhà Trần và cũng là danh tướng trong lịch sử Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới, có công lớn trong hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông là tác giả của bộ Binh thư yếu lược (hay Binh gia diệu lý yếu lược) và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc) (3). Ông còn được người dân Việt tôn sùng như bậc thánh, nên còn được gọi là Đức thánh Trần. Trong tranh, ông đứng ở đầu thuyền được chạm hình rồng, đội quân của ông người cầm cờ, người cầm kiếm đang hướng về phía quân giặc bị rơi xuống sông và thất trận một cách thảm bại. Cuộc kháng chiến của quân dân nhà Trần do Trần Hưng Đạo làm tổng chỉ huy đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như những mốc son chói lọi. Bức tranh Trần Hưng Đạo không chỉ khắc họa được yếu tố lịch sử mà còn khắc họa được bản sắc của dân tộc ta, đó là nghệ thuật thủy chiến, là yếu tố sông nước nổi bật - yếu tố trội trong văn hóa Việt Nam.

Bước sang TK XX, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, hơn bao giờ hết truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc từng bước được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử nay càng được giáo dục, bồi đắp và phát huy mạnh mẽ. Hình ảnh quân và dân cùng cầm gươm, mã tấu, bom ba càng lao thẳng vào quân thù trong kháng chiến chống Pháp hay những phi công lao thẳng máy bay mich nhỏ bé vào pháo đài B52 của giặc Mỹ… là những hình ảnh tiêu biểu và sáng ngời cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý trong tranh Đông Hồ thể hiện về cuộc kháng chiến tranh chống Mỹ là bức tranh Bắt giặc lái Mỹ. Tranh mô tả cảnh một tên giặc lái Mỹ khi máy bay bị bắn rơi, hắn bật dù nhảy xuống một cánh đồng, nhưng chân chưa kịp chạm xuống đất đã bị dân quân và nhân dân ta bắt gọn. Tên giặc lái với vẻ mặt sợ hãi, hay tay giơ lên trong tư thế xin hàng. Xung quanh tứ phía là những người nông dân với vũ khí thô sơ như giáo, liềm, thừng… đang bủa vây. Cùng với đó là hình ảnh một nữ dân quân đang cầm súng lao tới, sau lưng là một em học sinh đang chạy đến, tay cầm cờ trong tư thế cổ vũ và sẵn sàng trợ chiến. Bức tranh ghi lại tinh thần đoàn kết quân dân, cảnh giác cao độ, vừa tích cực lao động sản xuất vừa dũng cảm sẵn sàng chiến đấu của quân và dân ta, thể hiện tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân rất rõ nét. Chính vì vậy, nó không chỉ mang tính thời sự, cổ động cho cuộc kháng chiến chống Mỹ mà còn ghi lại một khoảnh khắc có thật, một khoảnh khắc hào hùng của lịch sử để từ đó đi vào dòng chảy ký ức khó phai mờ của nhân dân ta về một thời đạn bom khói lửa. Những bức tranh lịch sử không chỉ ghi lại những giai thoại, sự kiện lịch sử, khắc họa hình ảnh lịch sử mà còn thể hiện được tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chống giặc ngoại xâm bất khuất của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử. Toát lên từ những bức tranh lịch sử ấy là khát vọng hòa bình cháy bỏng của nhân dân ta.

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam, chúng ta có thể thấy đó là lịch sử của một dân tộc nhỏ bé nhưng luôn phải gồng mình chống giặc ngoại xâm lớn mạnh hơn mình gấp bội phần. Tuy vậy, với tinh thần không chịu khuất phục trước kẻ thù, ông cha ta luôn tìm cách đánh thắng và chiến thắng kẻ thù. Truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc đã đi vào lịch sử, vào văn học nghệ thuật, đặc biệt trong tranh Đông Hồ, một dòng tranh dân gian độc đáo với những thế mạnh riêng trong cách truyền tải thông điệp, ý nghĩa. Chính nhờ những bức tranh khắc gỗ giản dị, bình dân này mà truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc đã đi vào ký ức của nhân dân ta, nó góp phần rất tích cực và hiệu quả vào việc giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam. Chính vì vậy, những bức tranh ấy có vẻ đẹp và sức sống lâu bền trong lòng công chúng và có giá trị lớn đối với các nhà nghiên cứu mỹ thuật.

_______________________

1. Chính trị, Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhandan.vn, 21-4-24.

2. Baodatviet.vn, Những câu nói bất hủ của người Việt, baotanglichsuquocgia.vn, 18-11-2011.

3. Tranh Trần Hưng Đạo đánh giặc - tranh dân gian Đông Hồ (37cm x 26cm), bacninh.com.

Tài liệu tham khảo

1. Trang Thanh Hiền, Tranh Tết - nét tinh hoa truyền thống Việt, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.

2. Nguyễn Thị Thu Hòa, Trịnh Sinh, Lê Bích, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.

3. Nguyễn Thái Lai, Làng tranh Đông Hồ, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

4. Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Cung Khắc Lược, Đồ họa cổ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.

TS PHẠM HÙNG CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 569, tháng 5-2024

;