Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vai trò to lớn của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”, “Văn hóa còn thì dân tộc còn” (1) và đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, một trong số đó là khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH), xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh. Cũng tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh quyết tâm của ngành Văn hóa trong thời gian tới để biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Để làm được điều này, Bộ trưởng kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để Bộ thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành Văn hóa, hướng tới mục tiêu văn hóa đóng góp 7% GDP vào năm 2030 (2).
Hiện nay, CNVH được xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa (3). Trong đó, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đề ra: Nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành được ưu tiên phát triển (4).
Nghệ thuật hàn lâm bao gồm: opera, ballet, nhạc giao hưởng, đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của ngành Nghệ thuật biểu diễn. Nhưng thực tại cho thấy nghệ thuật hàn lâm Việt Nam đang thiếu đi nhiều yếu tố để tồn tại, phát triển và đứng vững trên đôi chân của mình. Vì vậy, giải pháp nào được đưa ra để giúp cho ngành nghệ thuật hàn lâm có thể bắt kịp với xu thế của ngành CNVH và từng bước đóng góp vào 7% GDP của ngành Văn hóa trong thời gian tới?
1. Nhân lực - Nguồn tài nguyên vô hạn
Nếu như cơ sở hạ tầng là nền tảng phát triển, là phần cứng của cỗ máy thì nhân lực chính là phần mềm, là linh hồn của nghệ thuật biểu diễn. Đầu tư vào con người của nghệ thuật sân khấu còn kỳ công, tốn kém về thời gian hơn cả đầu tư xây một nhà hát, mà rủi ro cao và tỷ lệ thành công vô cùng thấp.
Ở các quốc gia có nền tảng về nghệ thuật sân khấu vài trăm năm tuổi và nền CNVH hình thành từ hơn 100 năm trước này, nguồn cung lớn cho phép các nhà hát quyền lựa chọn những tài năng xứng đáng và con đường khổ luyện đã tạo nên những nghệ sĩ có bản lĩnh làm chủ sân khấu và những đạo diễn, biên kịch biết kể những câu chuyện đã cũ bằng sự sáng tạo mới mẻ phi thường. Người Paris có câu: “Để có Dorothée Gilbert (5) (nghệ sĩ ballet nổi tiếng của Pháp), cần nhiều thời gian hơn cả để xây nhà hát mà cô ấy biểu diễn”. Ở các nhà hát ballet hàng đầu và lâu đời nhất châu Âu như: Vũ đoàn Paris Opera Ballet (Pháp), The Royal Ballet (Anh) hay Bolshoi (Nga), mỗi vũ đoàn thường chỉ có tới 4 nghệ sĩ được nâng lên tầm Étoiles. Những người này sau đó trở thành giáo viên, huấn luyện viên ở các trường ballet thuộc nhà hát để kỹ năng, tài nghệ và tinh thần của nhà hát được truyền thụ cho những thế hệ kế thừa.
Nếu như việc tuyển chọn những hạt giống tài năng và tự đào tạo là triết lý phát triển nhân lực ở các nhà hát ballet cổ điển của châu Âu, thì ở Mỹ, sân khấu Broadway lại rộng mở với cả thế giới để thu hút và chọn ra những tinh hoa triển vọng nhất từ tất cả các trường nghệ thuật trên thế giới. Hệ thống Broadway không có trường đào tạo, nhưng có mạng lưới tuyển chọn ở khắp nơi. Các trường nghệ thuật hàng đầu nước Mỹ, như: NYU Tisch & Steinhardt, Trường Đại học Carnergie Mellon (CMU), Học viện Âm nhạc và Sân khấu Hoa Kỳ (AMDA), Trường Cao đẳng Âm nhạc Cincinnati (CCM), Trường Đại học Nghệ thuật Bắc Carolina (UNCSA), Trường Đại học Yale hay trường Âm nhạc Manhattan... và hàng đầu thế giới về nghệ thuật như Trường Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Tokyo, Trường Đại học Seoul... là nguồn cung nhân lực cho Broadway với khoảng 10.000 lượt nghệ sĩ trẻ thử sức mỗi năm. Tại Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật nói chung và hàn lâm nói riêng hiện đang thiếu nguồn nhân lực trẻ. Lực lượng nghệ sĩ ngày càng già hóa, trong khi yêu cầu “thày già, con hát trẻ”. Đơn cử tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với 3 đoàn: Nhạc kịch, Ca kịch và Vũ kịch, trong số 107 biên chế, diễn viên ở độ tuổi làm nghề (dưới 40 tuổi) là 47 người, chiếm 43,93%, quá ít so với yêu cầu sáng tác và biểu diễn nghệ thuật.
Thứ hai là vấn đề tuyển chọn tài năng và đào tạo. Cái nôi đào tạo nghệ thuật hàn lâm như opera, ballet hay giao hưởng chỉ có tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, Học viện Múa Việt Nam. Những nơi khác như Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Nghệ thuật Quân đội, các trường Cao đẳng nghệ thuật,… đều đào tạo được rất ít, hoặc hầu như không có tài năng như thế này. Vậy cách duy nhất để có được nguồn nhân lực là cử đi đào tạo ở nước ngoài.
Vì lẽ đó, nên chăng Bộ VHTTDL cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút nhân tài bằng thu nhập và cơ hội song song với việc mở rộng, nâng tầm hệ thống đào tào nguồn nhân lực cho các ngành Nghệ thuật nói chung, ngành Sân khấu biểu diễn và nghệ thuật hàn lâm nói riêng. Đây có thể coi là cách sử dụng thông minh, hiệu quả, một phần rất nhỏ trong ngân sách nhưng lại tạo ra giá trị bền vững, làm hạt nhân xây dựng một nền CNVH mạnh, đủ sức đưa văn hóa Việt Nam vươn lên trong cuộc đua tranh sức mạnh mềm giữa các quốc gia. Chúng ta cũng cần đặt ra những chỉ tiêu cụ thể cho việc phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2030-2045, chúng ta sẽ có bao nhiêu nghệ sĩ piano đạt giải Chopin như Đặng Thái Sơn, bao nhiêu danseuse étoiles (vũ công tài năng) như Alice Renavand (người Pháp gốc Việt), bao nhiêu nghệ sĩ opera như Yoko Watanabe, bao nhiêu biên đạo múa biên đạo cho vở mới ở Broadway...
2. Vật lực - Cần lắm một cơ chế mở
Lướt qua các nước đã và đang phát triển, có thể thấy hạ tầng cơ sở cho nghệ thuật hàn lâm đều được coi trọng.
Xa nhất là nước Mỹ, với 42 nhà hát Broadway được xây dựng tại khu vực trung tâm của thành phố phồn hoa nhất nước Mỹ, gần quảng trường Thời Đại - nơi mà hầu như bất cứ một du khách nào khi đặt chân tới New York đều phải đến. Tại Pháp, Nhà hát Opera Paris được khởi công và được xây trong 14 năm với kinh phí 33 triệu Franc - công trình có ngân sách lớn nhất của Đệ Nhị Đế chế. Nhà hát Ballet Bolshoi, được khởi công vào năm 1776 và 2005, đã nhận được khoản tiền 700 triệu USD từ chính quyền của Tổng thống Putin để trùng tu, giúp Bolshoi duy trì vị thế là nhà hát ballet hàng đầu thế giới. Tại Trung Quốc, ở thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) , nhà hát được xây dựng chỉ với 3.000 chỗ, nhưng sân khấu biểu diễn cao 15m, chưa kể thiên kiều và sào đèn ở phía trên. Hệ thống nâng hạ có thể hạ sâu xuống 1 tầng sân khấu. Kích thước sàn diễn rộng khoảng 25mx35m chiều sâu nhưng hai bên cánh gà và phía hậu sân khấu diện tích cũng như vậy. Có nghĩa là sân khấu của họ là 1x4 lần. Điều này tạo điều kiện dễ dàng cho thiết kế nhiều màn nhiều lớp để biểu diễn. Nhất là trong thời đại công nghệ ngày nay, khán giả sẽ không thỏa mãn nếu chỉ xem các chương trình biểu diễn với sân khấu 2 chiều đơn thuần nữa. Họ cần xem những cái lạ, hấp dẫn và việc này phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ cùng kết cấu thực địa của sân khấu.
Nghệ sĩ ballet Thu Huệ và NSƯT Đàm Hàn Giang cùng tập thể các nghệ sĩ múa VNOB - Ảnh: VNOB
Trong khu vực ASEAN, Singapore trong hai thập kỷ qua đã vươn lên trở thành điểm đến của nghệ thuật thế giới, đặc biệt là sân khấu. Công chúng yêu ballet, yêu opera ở châu Á có thể đến Singapore để thỏa mãn ước mơ trải nghiệm nghệ thuật đỉnh cao từ Broadway đến Bolshoi, The Royal Ballet thay vì bay nửa vòng trái đất. Quốc đảo nhỏ bé đã làm được điều đó bằng sự đầu tư bài bản và tầm vóc vào hạ tầng. Hai nhà hát hiện đại nhất thế giới: Esplanade Theater on the Bay với kinh phí 600 triệu đô la Singapore cùng Marina Bay Sands Theater đã góp phần mang lại lợi nhuận 1 tỷ USD mỗi năm cho quần thể Marina Bay Sands.
Quay trở lại Việt Nam, ngay ở Thủ đô Hà Nội cũng chỉ có hai địa điểm có sân khấu đủ tiêu chuẩn tối thiểu cho những chương trình nghệ thuật quốc gia là Nhà hát Lớn Hà Nội và Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô. Mở rộng trong cả nước, đến thời điểm hiện nay, không có một trung tâm biểu diễn nghệ thuật nào tầm cỡ để tổ chức các chương trình sự kiện lớn... Các nhà hát, trung tâm biểu diễn của Việt Nam đều không đạt tiêu chuẩn quốc tế về sân khấu, thường quá nhỏ, không có đủ không gian để lắp đặt các thiết bị kỹ thuật; đa phần các nhà hát không có sân khấu cho dàn nhạc phục vụ các vở nhạc vũ kịch. Những người thiết kế chủ yếu để hết vị trí cho khán giả ngồi còn lại phần sân khấu thì không được quan tâm đúng cách. Trong khi đó, các nhà hát nhạc vũ kịch trên thế giới được xây dựng cách đây 50-60 năm, thậm chí hàng vài trăm năm như Garnier, Bolshoi thì hệ thống sân khấu cực tốt, hệ thống nâng hạ, sào đèn, vị trí lắp đặt các thiết bị rất đầy đủ, đủ không gian cho 2-3 đội vừa setup, vừa biểu diễn trong cùng một sân khấu. Đến thời điểm này, chúng ta vẫn không có nhà hát nào đạt chuẩn như vậy. Chính vì vậy, một nhà hát với sân khấu đạt tiêu chuẩn dù là thấp nhất của ballet và opera thế giới cũng chính là ước mơ của các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam. Không có sân khấu lớn, không thể có vở diễn lớn. Không có vở diễn lớn, không thể có nghệ sĩ lớn. Không có nghệ sĩ lớn, không thể có nền nghệ thuật lớn. Không có nền nghệ thuật lớn, không thể có CNVH.
Vì lẽ đó, nên chăng Chính phủ cân nhắc đến cơ chế mở để xã hội hóa hạ tầng cơ sở cho ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật hàn lâm nói riêng? Ví dụ như có thể giao cho một tập đoàn kinh tế, bất động sản đứng ra xây dựng nhà hát, vừa tạo điểm nhấn về kiến trúc cho địa phương, vừa đóng góp một phần vào hoạt động cộng đồng.
3. Tài lực - Điều kiện cần và đủ
Trong khi thực tế, để hoàn thành một sản phẩm biểu diễn lớn, có chất lượng cao như vở vũ kịch Hồ Thiên Nga hay nhạc kịch Những người khốn khổ, khoản đầu tư của Nhà nước chỉ như “muối bỏ bể”. Vì vậy, để nghệ thuật biểu diễn nói chung đứng vững, cần cân nhắc đến điều kiện đủ trong tài lực.
Nói về nguồn thu từ biểu diễn, trong số 12 lĩnh vực của CNVH, ngành Nghệ thuật biểu diễn luôn là ngành công nghiệp chạm tới quy mô công chúng lớn nhất, dù doanh thu còn khá khiêm tốn so với số lượng buổi biểu diễn và số lượng người xem. Năm 2017, hơn 2.851 buổi biểu diễn được tổ chức, thu hút 1.418.300 lượt người xem, doanh thu bán vé khoảng hơn 72 tỷ đồng. Năm 2018, 2.118 buổi biểu diễn được tổ chức; doanh thu bán vé hơn 104 tỷ đồng. Năm 2019, các đoàn nghệ thuật ở trung ương và địa phương đã tổ chức dàn dựng 207 chương trình, 10.492 buổi biểu diễn, thu hút 7.023.646 lượt người xem và đạt tổng doanh thu bán vé hơn 110 tỷ đồng. Năm 2020, có 1.249 buổi biểu diễn, 946.100 lượt người xem; số kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt 60.226.151.378 đồng… (6). Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ kinh tế thì khoản thu từ biểu diễn này là quá nhỏ so với kỳ vọng.
Xét về mức chi lương, bồi dưỡng cho diễn viên do Nhà nước chi trả như hiện nay, ngay cả NSƯT cũng chỉ ở mức lương diễn viên hạng 3, hạng 2. Điều đó có nghĩa là mức lương cả tháng của một nghệ sĩ biểu diễn trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, đã học tập, tu nghiệp và rèn luyện gần 10 năm mới có thể làm nghề, cũng chỉ ở tầm dưới 5 triệu đồng (7). Tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn đối với soloist cũng chỉ ở mức 200.000 đồng, trong khi cát-xê của các đơn vị tổ chức sự kiện tư nhân cho một ca sĩ cũng lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Sự bất bình đẳng này khiến nhiều đơn vị nghệ thuật công lập bị “chảy máu chất xám” rất nhiều.
Những bất cập trên đều có thể nhìn thấy rõ ràng. Song, nếu lấy từ ngân sách Nhà nước để chi trả thêm thì càng bất khả thi do nguồn thu của Nhà nước cần sử dụng cho rất nhiều vấn đề khác trong xã hội. Vì vậy, Chính phủ nên chăng cân nhắc một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho xã hội hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Ví dụ như chỉ định các tập đoàn kinh tế hỗ trợ cho những đơn vị nghệ thuật nhất định với việc áp dụng miễn, giảm thuế… Có nhiều người tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật, sẽ có nhiều người ủng hộ. Có được nhiều người ủng hộ, sẽ có nhiều nhà tài trợ đến với nghệ thuật biểu diễn… Một giải pháp khác cũng đáng cân nhắc là xây dựng vòng tròn sinh thái trong ngành CNVH có sự phối hợp chặt chẽ giữa văn hóa - di sản - nghệ thuật - du lịch.
Phát triển CNVH là nhu cầu của phát triển kinh tế quốc dân và xã hội. Mặt khác, nó sẽ thúc đẩy việc nâng cao văn hóa quốc dân và thực hiện tiến bộ xã hội, tạo ra sự phát triển nhịp nhàng giữa kinh tế và văn hóa, hình thành môi trường văn hóa tốt đẹp. Công nghiệp biểu diễn chính là một phần của CNVH. Chính vì vậy, muốn để nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật hàn lâm nói riêng có thể đứng vững và phát triển, góp phần vào sự tăng trưởng của xã hội thì hơn hết, chiếc kiềng 3 chân: nhân lực - vật lực - tài lực cần phải trở thành bệ phóng vững chắc. Hơn bao giờ hết, cần có sự chỉ đạo tiên quyết về mặt cơ chế chính sách từ Chính phủ, sự chung tay, góp sức của các cơ quan ban, ngành, địa phương có liên quan và hơn hết là sự thay đổi từ chính bản thân các đơn vị nghệ thuật.
4. Vòng tròn sinh thái - hướng đi mới trong CNVH
Giới chuyên gia kinh tế thường nói đến kinh tế vòng tròn (Circular Economy - CE) để đề cập một chu trình phát triển khép kín trong hoạt động kinh doanh. Và thuật ngữ nên chăng được áp dụng vào chu trình phát triển CNVH, khi tạo ra bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa văn hóa - di sản - nghệ thuật - du lịch. Ví dụ như Bộ VHTTDL đặt hàng các đơn vị nghệ thuật sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với tiêu chí phát triển văn hóa của từng thời điểm, từng vùng miền. Ngành Du lịch chỉ đạo các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình du lịch cho các đoàn quốc tế theo mô hình combo (vé máy bay - điểm du lịch - thưởng thức ẩm thực - thưởng thức nghệ thuật - mua sắm).
Nhỏ hơn rất nhiều, nhưng phần nào mang lại hiệu quả khá cao trong xu thế chuyên nghiệp hóa hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã xây dựng thành công vòng tròn sinh thái dựa trên những yếu tố như phân tích, tìm hiểu nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng; lên ý tưởng sản phẩm; mua bản quyền đồng thời với xây dựng ekip sáng tạo, chủ động mời và thuyết phục các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tài năng Việt Nam ở nước ngoài cũng như các chuyên gia nước ngoài; xây dựng chiến lược truyền thông và marketing với mục đích giáo dục về nghệ thuật, về chương trình từng bước đến công chúng và quảng bá cho sản phẩm thông qua hệ thống báo chí truyền thông và mạng xã hội; lên kế hoạch và thực hiện hoạt động luyện tập, chuẩn bị cho sản phẩm một cách chi tiết và luôn có thông tin truyền thông đi kèm, quảng bá, đưa tin, kích thích trí tưởng tượng của công chúng về sản phẩm; xây dựng kế hoạch bán vé tự thân thông qua hệ thống truyền thông như trang web, fanpage; chăm sóc khách hàng và có chế độ hậu đãi; phân tích kết quả dựa trên phản ứng của giới chuyên gia, truyền thông và khán giả để rút kinh nghiệm, xây dựng các chương trình tiếp theo.
Mô hình này tuy không mới, nhưng để áp dụng thành công đối với một đơn vị nghệ thuật công lập thì không dễ dàng. Vì vậy, thành công của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong việc tiếp cận xu hướng chuyên nghiệp hóa các hoạt động biểu diễn và từng bước tiệm cận với nền CNVH rất đáng được phân tích như một mô hình điểm của ngành Nghệ thuật biểu diễn nước nhà.
_______________
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Báo Nhân Dân điện tử, 24-11-2022.
2. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển văn hóa, Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật, 24-11-2021.
3. Quyết định số 1755/ QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
4. Quyết định số 1909/ QĐ-TTg ngày 12-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
5. Dorothée Gilbert là một danseuse étoile (vũ công tài năng) của Paris Opera Ballet sinh năm 1983. Cô học ballet từ năm 7 tuổi ở Trường Múa quốc gia Toulouse. Sau 10 năm khổ luyện, cô thi đỗ vào Trường Ballet Paris Opera. Sau 2 năm, cô ở trong top 10% học viên trụ được sau năm thứ nhất và 5% học viên trong số những học viên còn lại được chọn vào đoàn múa phụ và đạt được những thành tựu hiếm có ở nhà hát hơn 350 năm tuổi khi gần như mỗi năm, cô được nâng lên một bậc và trở thành vũ công chính năm 2005 trước khi trở thành étoile (ngôi sao) vào năm 2007, sau 17 năm theo nghiệp.
6. Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Báo cáo các năm 2017, 2018, 2019, 2020.
7. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Báo cáo tiền lương Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Ths NGUYỄN TUYẾT HOA - TRẦN LY LY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022