Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Nghi lễ Piền hùng sỉnh tỉa trong không gian văn hóa Dao

Piền hùng sỉnh tỉa là một nghi lễ quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Dao, liên quan đến việc thờ cúng thần Bàn Vương, vị thần tối cao, được coi là người sinh ra vạn vật và bảo trợ cho dân tộc Dao. Nghi lễ này không chỉ mang đậm yếu tố tâm linh mà còn thể hiện sự tri ân, nhớ về nguồn cội và tổ tiên của đồng bào. Bài viết làm nổi bật ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nghi lễ trong việc gắn kết cộng đồng và bảo vệ truyền thống văn hóa của dân tộc.

ca xèng

Dâng hương tại lễ cúng Bàn Vương của người Dao đỏ xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) - Ảnh: hagiangtv.vn

Trong đời sống văn hóa tinh thần người Dao, nghi lễ piền hùng sỉnh tỉa (nghi lễ cúng thần Ngọc Hoàng, Bàn Vương, Tam Thanh, người Dao gọi chung là ma lành) được coi là một nghi lễ rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao. Vị thần được người Dao coi là Bàn Hoàng thánh đế, một vị ma lành luôn theo sát và trợ giúp tộc người Dao vượt qua khó khăn, tai ương của cuộc sống. Vị thần ấy cũng luôn xuất hiện trong các nghi lễ quan trọng của người Dao, khi thực hiện bất kỳ một nghi lễ nào mà có nghi thức cúng thần Bàn Vương thì người Dao đều phải làm lễ đón rước vị thần đó về, nếu vị thần Bàn Vương không xuất hiện, không thể mời được về tham dự thì các nghi lễ ấy sẽ không thể thực hiện. Lễ piền hùng sỉnh tỉa là nghi thức cúng mở đầu trước khi người Dao thực hành các nghi thức tiếp theo trong mỗi nghi lễ cúng.

Do ảnh hưởng của Đạo giáo nên người Dao coi vị thần Bàn Vương (hay còn gọi là Bàn Cổ) là người sinh ra vạn vật và con người trong thế giới tự nhiên. Bàn Vương được coi là một trong ba vị Thánh Sư sinh sống ở tầng thứ nhất (tầng trời), người Dao sinh sống ở tầng thứ hai, còn người chết khi linh hồn chưa qua được cầu Nại Hà để luân hồi kiếp mới, chưa được trở về Dương Châu thì sinh sống ở tầng thứ ba của vũ trụ. Người Dao quan niệm, khi chết đi, nếu không được trở về tầng trời để hầu hạ Bàn Vương thì họ là người “vong ân bội nghĩa”, bởi vị thần tối cao ấy đã trợ giúp họ trong suốt thời gian tồn tại ở cõi trần. Sau khi trả hết nợ ở cõi trần, họ được trở về cõi trời để báo đáp hiếu nghĩa với Bàn Vương, khi báo đáp tròn ân nghĩa với Bàn Vương, họ sẽ được giúp đỡ đầu thai trở lại cõi trần để tiếp tục thực hiện hiếu lễ với tổ tiên. Quan niệm ấy được phản ánh như sau: “Thái cực tiên sinh, sinh Bàn cổ/ Khai bảo nguyên niên vua ra đời/ Chưa có trời mà đã có đất,/ Trước có Ngọc hoàng với Bàn cổ,/ Tôi ra cùng lứa với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng ba trăm sáu hóa cách,/ Bàn cổ ba trăm sáu hóa thân./ Mắt trái biến thành mặt trời đỏ,/ Mắt phải biến thành mặt trăng tròn,/ Cỏ tranh trên đồi là tóc biển,/Cá nước dưới biển là tim gan,/Răng biến thành vàng với bạc, Xương cốt biến thành đá thành tro,/ Thịt biến thành đất trồng trọt lúa,/ Máu chảy thành sông ra biển khơi,/ Gân cốt biến thành cây trên núi,/ Móng tay chân biến thành ngôi sao,/ Chín khúc minh chu với lục tạng,/ Ruộng đồng cày cấy là chân ông,/ Ruộng đồng là vết chân của bố…” (1). Do vậy, Bàn Vương được người Dao coi như một tiểu vũ trụ mênh mông, huyền bí, tạo ra thế giới tự nhiên, đồng thời cũng là ông tổ của người Dao có sức mạnh siêu nhiên, hộ mệnh, chi phối mọi duyên số, công danh, sức khỏe, đường đời của vạn vật trong tự nhiên cũng như con người.

Trước khi thực hiện lễ cúng Bàn Vương, tùy vào đó là nghi lễ của làng, dòng họ hay của cá nhân mà người thày cúng sẽ chọn không gian cúng ở đâu, chẳng hạn: Lễ cúng Bàn Vương với quy mô làng, bản thì được người Dao tổ chức vào những năm làng, bản làm ăn có thành quả lao động tốt, nhưng thời gian để tổ chức lễ cúng Bàn Vương theo quy mô làng bản thời gian ít nhất là 3 năm, lâu nhất là 12 năm mới được tổ chức một lần. Còn lễ cúng Bàn Vương với quy mô dòng họ thường được tổ chức trong lễ tẩu sai (cấp sắc cho cả dòng họ), lễ cấp sắc quy mô dòng họ này thường từ 45-60 năm mới được tổ chức một lần. Lễ cúng Bàn Vương cho cá nhân gắn liền với các nghi lễ lớn trong cuộc đời con người như lễ đặt tên, lễ cấp sắc, tang ma, thời gian thực hiện nghi lễ Bàn Vương cho cá nhân tùy thuộc vào mỗi gia đình. Song, dù thực hiện nghi lễ Bàn Vương ở cấp độ nào, thì đều chung một mục đích đó là sự tri ân, báo hiếu đến thủy tổ của người Dao. Có thể nói, lễ cúng Bàn Vương là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng người Dao đến nguồn cội của tộc người, không những thế nó còn mang yếu tố tâm linh, giúp người Dao có sức mạnh về tinh thần, bởi họ luôn quan niệm thần Bàn Vương luôn theo sát hành trình của mỗi người, phù hộ họ gặp may mắn trong làm ăn, trong cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống.   

Lễ piền hùng sỉnh tỉa được thực hiện theo tín ngưỡng thờ cúng Bàn Vương của người Dao xuất phát từ truyện cổ dân gian kể về nguồn gốc tộc người, đó là câu chuyện Bàn Hồ đã được ghi chép trong các cuốn sách Bảng văn và trong sách cúng của người Dao. Theo truyện kể, Bàn Hồ là con long khuyển, mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng, mướt như nhung, từ trên trời giáng xuống trần được Bình Hoàng yêu quý, nuôi trong cung. Một hôm, Bình Hoàng nhận được chiến thư của Cao Vương, liền họp bá quan văn võ để bày mưu tính kế diệt họ Cao, nhưng không ai tìm được kế gì. Trong khi đó, con long khuyển Bàn Hồ từ trong kim điện nhảy ra sân rồng quỳ lạy, xin đi giết Cao Vương.

Trước khi Bàn Hồ ra đi, nhà vua có hứa, nếu thành công sẽ gả cung nữ, có tài liệu ghi là gả công chúa cho. Bàn Hồ bơi qua biển 7 ngày 7 đêm mới tới nơi Cao Vương ở. Cao Vương thấy con chó đẹp tới phủ phục trước sân rồng thì cho đó là điềm lành nên đem vào cung nuôi. Nhân một hôm Cao Vương say rượu, Bàn Hồ cắn chết Cao Vương và ngoạm lấy đầu đem về báo công với Bình Hoàng.

Bàn Hồ lấy được cung nữ, đem vào núi Cối Kê (Chiết Giang) ở. Vợ chồng Bàn Hồ không bao lâu sinh được 6 con trai và 6 con gái. Bình Hoàng ban sắc cho con cháu Bàn Vương thành 12 họ, riêng người con cả được lấy họ cha, còn các con thứ lấy tên làm họ, gồm các họ: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Thiện.

Con cháu Bàn Vương sinh sôi nảy nở mỗi ngày một nhiều. Đến thời Hồng Vũ (1368-1398), hạn hán ba năm liền không có gì ăn, nhà vua phải cấp cho con cháu Bàn Vương mỗi người một cái búa, một con dao quắm để đốn cây rừng làm rẫy. Con cháu Bàn Vương phá hết núi của nhà vua như: Kim Sơn, Ngân Sơn, Long Bảo, Hổ Bảo, Ô Nhan, Giao Sơn rồi đến các núi hoang ở Quảng Đông, Hồ Quảng, Thiểm Tây, Vân Nam, Quý Châu...

Con cháu của Bàn Vương lại ngày càng nhiều mãi lên khiến nhà vua phải sắc cấp “Quả sơn bảng” để phân tán đi các nơi kiếm ăn: ngành trưởng ở Hồng Thủy, tức Giao Sơn đi vào núi Đông Sơn, gọi là Đại bản man; ngành thứ hai đi vào miền núi Hồ Quảng, gọi là Hồ Man; ngành thứ ba đi vào miền Lạc Dương, gọi là Đường Hồ Man; ngành thứ tư đi vào miền núi Bắc Sơn, gọi là Tú Dương Man; ngành thứ năm đi vào miền núi Vân Nam, gọi là Cao Hiền Man; ngành thứ sáu đi vào miền núi Việt Nam, gọi là Tiểu Bản Man; ngành thứ bảy đi vào núi Thiểm Tây, gọi là Lam Đĩnh Man... (2).

Truyện kể dân gian về Bàn Vương mặc dù chứa đựng yếu tố hoang đường, huyễn hoặc nhưng đã cung cấp được bức chân dung về vị thần ma lành của người Dao. Truyện lý giải nguồn gốc ra đời người Dao, của các dòng họ người Dao xung quanh nhân vật Bàn Hồ - vốn là một nhân vật hư cấu được tồn tại trong trí tưởng tượng của người Dao, song việc lưu truyền câu chuyện về Bàn Hồ và những thực hành nghi lễ của cộng đồng người Dao đối với nhân vật này một mặt đã phản ánh tín ngưỡng thờ tổ tiên tộc người, mặt khác chứa đựng hiện thực quá trình sinh tồn của người Dao.

Lễ piền hùng sỉnh tỉa liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và của cả dân tộc vì thế không gian thực hành nghi lễ cúng Bàn Vương cũng tương ứng với từng nghi lễ cúng cụ thể. Nếu đó là lễ cúng thần Bàn Vương trong phạm vi gia đình thì không gian thiêng để cúng thần là không gian bàn thờ gia tiên. Từ xưa, trong mỗi gia đình người Dao thần Bàn Vương được coi là một vị ma tổ nên được thờ chung với bát hương gia tiên trên bàn thờ chính, vì thế bao đời nay, người Dao vẫn coi bàn thờ gia tiên là không gian nghi lễ thiêng tuyệt đối, chỉ người chủ gia đình mới được chạm đến không gian thiêng ấy. Người Dao khác với các dân tộc khác, bàn thờ gia tiên chỉ có duy nhất một bát hương để thờ ma tổ và ma tổ tiên. Người Dao không thực hiện nghi lễ cúng trên bàn thờ gia tiên vào ngày rằm, mồng một như người Việt, người Dao chỉ cúng trên bàn thờ gia tiên vào các ngày 30 tháng Chạp, mồng 1 tháng Giêng, Tết Thanh minh, rằm tháng 7 và ngày lễ tạ ơn của dân tộc được cúng vào ngày Thìn, tháng Chạp hằng năm. Ngoài những ngày lễ trên, người Dao không được phép cúng trên bàn thờ gia tiên, chỉ trừ trường hợp trong nhà có lễ cấp sắc, lễ đặt tên, đám cưới, đám ma thì bàn thờ gia tiên mới được chủ gia đình lên hương cẩn báo.

Lễ piền hùng sỉnh tỉa được thực hiện tại không gian bàn thờ gia tiên, mang ý nghĩa cúng tổ - một hình thức cúng ma lành, ma tổ tiên của người Dao, lễ cúng thần Bàn Vương trong gia đình là một nghi lễ nhỏ nên thông thường nó chỉ diễn ra trong một ngày, kết thúc nghi lễ thường trước 24 giờ để thần còn kịp về chầu Ngọc Hoàng vào sáng sớm hôm sau. Trước khi làm lễ piền hùng sỉnh tỉa tại không gian bàn thờ gia tiên, nếu gia đình gặp những chuyện chẳng lành (con cái ốm đau, làm ăn thất bát, gia súc, gia cầm chết hàng loạt…), người Dao sẽ soạn một mâm lễ để cúng giải hạn, mâm cúng ấy đặt ngay bên dưới bát hương tổ tiên, chủ gia đình cầu xin Bàn Vương phù trợ cho gia đình tai qua nạn khỏi, cây trồng, vật nuôi trong gia đình đạt năng suất cao. Trong lễ cúng giải hạn, gia chủ phải hứa với Bàn Vương: khi nào làm ăn khấm khá sẽ làm lễ cúng chính thức tạ thần, nếu thần Bàn Vương đồng ý thì sau khi khấn xong, chủ nhà sẽ tung hai que tre, một que sấp, một que ngửa là thần đồng ý còn nếu 2 que cùng sấp là thần không đồng ý, họ sẽ phải để thêm lễ vật vào mâm cúng và xin lại, còn khi hai que tre ngửa có nghĩa là thần cười, gia chủ cũng sẽ phải khấn lại, lúc này giọng khấn phải thủ thỉ, nỉ non để thần nghe lọt tai mà đồng ý với gia chủ, nghi thức này người Dao gọi là lễ khuất. Sau khi được chủ gia đình thực hành xong, mâm lễ sẽ được chia đều làm ba phần: một phần để dành cho những người đang bị ốm đau bệnh tật trong gia đình ăn, một phần được mang ra sân để con nít và phụ nữ ăn, còn một phần để lại nơi gian giữa của căn nhà đối diện với không gian bàn thờ gia tiên dành cho người chủ gia đình và những người đàn ông đã được cấp sắc đến phụ giúp gia chủ làm lễ giải hạn. Trong khi ăn uống, những người đàn ông ngồi đối diện với không gian bàn thờ gia tiên, hát các bài hát ca ngợi công đức của vị thần Bàn Vương, khi lễ hưởng thực kết thúc, họ sẽ hát khúc hát tiễn thần về lại nơi họ đã đón thần đến để thực hành nghi lễ.

Nghi lễ cúng thần Bàn Vương không chỉ xuất hiện trong không gian bàn thờ gia tiên mà còn được xuất hiện trong không gian trước cửa của gia đình người trưởng họ. Khi đó lễ piền hùng sỉnh tỉa diễn ra trong quy mô dòng họ, được người Dao gọi là đàng ton. Lễ đàng ton có quy mô lớn hơn lễ cúng Bàn Vương trong gia đình, nên việc chuẩn bị lễ vật do tất cả các gia đình trong dòng họ đóng góp, thông thường nếu có gia đình nuôi được con lợn nái đẻ ra chỉ một con lợn đực thì họ coi đó là con lợn của Bàn Vương nên phải chăm sóc đặc biệt, đến cuối năm sẽ mổ để cúng dâng cho Bàn Vương; ngoài ra, các lễ vật khác trong nghi lễ cúng Bàn Vương của dòng họ cũng được trưởng họ phân cho các gia đình chuẩn bị. Việc thực hiện nghi lễ cúng Bàn Vương cho dòng họ được từng dòng họ tập hợp lễ vật, phân công chuẩn bị, tổ chức cúng tế theo truyền thống riêng của mỗi dòng họ.

Mâm lễ cúng đàng ton, ngoài con lợn đực duy nhất trong đàn và các đồ hương khói thông thường, nhất thiết phải có thêm một đôi lợn thần (lợn nuôi ít nhất 5 năm và chỉ chăn thả, không được chăn nhốt) và hai chum rượu thần (rượu được nấu từ thóc, cất rượu bằng nước suối đầu nguồn, khi nấu rượu thần, phụ nữ không được lại gần khu nấu rượu, rượu nấu xong cho vào chum, bịt kín để nơi góc nhà phụ nữ cũng tuyệt đối không được lại gần, sờ vào hai chum rượu đó). Sau khi ấn định ngày làm lễ đàng ton, trưởng họ sẽ mang gà, rượu đi mời 3 thày cúng giỏi về giúp dòng họ chủ trì buổi lễ. Các thày cúng lập hai đàn ngay trước cửa nhà trưởng họ (một đàn cao hơn dành cho thần Bàn Vương, đàn còn lại cúng gia tiên), trên mỗi đàn có một con lợn (làm sạch, bỏ lòng), gạo, 9 đồng bạc trắng, một chén nước, một chai rượu (chắt từ hai vò rượu thần), 5 cái chén, 5 cái bát và 5 đôi đũa, tiền giấy, các hoa văn bằng giấy màu. Lễ cúng Bàn Vương cho dòng họ thường diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, trong thời gian đó những người đến tham dự lễ đàng ton sẽ không được tự ý rời không gian thiêng để trở về gia đình mình vì người Dao quan niệm, khi cả dòng họ đã cúng mời thần Bàn Vương và các ma lành, ma tổ tiên về không gian thực hành nghi lễ đồng nghĩa với việc các ma đó sẽ theo sát các thành viên trong dòng họ nếu ai đó rời không gian thiêng đi sang nơi khác, các ma đi theo chẳng may lạc lối không biết đường về, nghi lễ đó coi như bỏ đi không thực hiện được tiếp. Trong nghi lễ đàng ton, thày cúng thực hiện các nghi thức mời Bàn Vương về chứng giám lòng thành của dòng họ, “đọc lại” câu chuyện Bàn Hồ đã được ghi chép trong các cuốn sách Bảng văn và trong sách cúng của người Dao, từ khi Bàn Hồ được phong Vương đến lúc đẻ ra 12 người con, rồi 12 người con ấy lại tỏa đi khắp mọi nơi lập thành 12 dòng họ người Dao, rồi quá trình thiên di, khai khẩn đất đai ở vùng đất mới.

Ở không gian thực hành nghi lễ có những kiêng kỵ nhất định, những người phụ nữ đến tháng hoặc mới sinh nở không được đặt chân vào gian giữa của ngôi nhà khi đang thực hành nghi lễ, những người đàn ông trong dòng họ chưa được cấp sắc chỉ được đứng ở ngoài cửa của gian giữa ngôi nhà và tuyệt đối không được đặt chân vào không gian nghi lễ, những người chủ lễ trước và sau khi làm chủ lễ không được quan hệ nam nữ. Người Dao có những kiêng kỵ nghiêm ngặt trong khi thực hành lễ đàng ton là bởi họ cho rằng, khi thân thể không sạch sẽ nếu tham dự nghi lễ Bàn Vương, thần sẽ không vui, nghi lễ sẽ không diễn ra suôn sẻ, bởi nghi lễ này mang đậm tính nhân văn, nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội tổ tiên linh thiêng, đầy sức mạnh bảo vệ cuộc sống. Đồng thời, nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản tạo nên sức mạnh để tồn tại và phát triển nên thần không vui tất cả mọi ý nghĩa trên sẽ không thể tồn tại. Kết thúc lễ đàng ton, thày cúng đốt tiền ma, đốt ngựa giấy, thả gà sống tiễn đưa thần Bàn Vương về lại quê cha đất tổ tiếp tục công việc của thần.

Nghi lễ cúng Bàn Vương diễn ra nơi không gian bàn thờ gia tiên hay diễn ra trong không gian nghi lễ trước cửa nhà trưởng họ coi là nghi lễ nhỏ nên sau phần cúng tiễn thần Bàn Vương về lại quê cha đất tổ, bao giờ chủ gia đình và chủ dòng họ sẽ có một lễ tế tạ ơn các thần ma lành khác đã cùng thần Bàn Vương trợ giúp gia đình, dòng họ hoàn thành nghi lễ. Khi thực hiện lễ tế tạ thày cúng, người trong gia đình, trưởng dòng họ sẽ hát 2-4 bài hát mua vui cho quãng đường trở về đất tổ của Bàn Vương được vui vẻ hơn. Theo khảo sát của chúng tôi, các điệu múa thiêng của dân tộc Dao không được thực hiện trong hai không gian nghi lễ này.

Bàn Vương được coi là thủy tổ của các dòng họ Dao nên Bàn Vương cũng được coi như một loại ma nhà và được cúng bái chung với tổ tiên của từng họ, từng gia đình trong những dịp lễ Tết. Việc cúng thần Bàn Vương trong không gian thiêng của gia đình, của dòng họ chỉ là những nghi lễ nhỏ nên không gian thiêng đó cũng trong phạm vi hẹp, còn trong lễ tồm đàng - lễ cúng Bàn Vương được tổ chức với quy mô lớn như một ngày lễ hội của cả dân tộc, không gian thiêng được mở rộng hơn, diễn ra từ không gian thực nơi thực hành nghi lễ đến không gian thiêng nơi Mai Sơn (nơi sinh sống của thần Bàn Vương), chứ không kéo dài khắp 3 cõi Thiên - Trần - Địa như không gian thiêng siêu hình. Lễ tồm đàng được các già làng, trưởng bản chuẩn bị rất kỹ càng, công tác chuẩn bị diễn ra trong một thời gian rất dài có khi là 12 tháng cũng có khi là 24 tháng tùy thuộc vào nhân lực và vật lực của cộng đồng người Dao. Sau khi các già làng, trưởng bản chọn được ngày tốt để làm nghi lễ tồm đàng thì người Dao phải chuẩn bị lễ vật gồm: 1 con trâu, 3 con lợn, mỗi con khoảng 80kg trở lên, 3 đôi gà trống, 4kg măng khô, 4-5 con sóc sấy khô (hoặc tươi). Lương thực, thực phẩm đủ sinh hoạt trong thời gian diễn ra nghi lễ, ngoài ra còn phải chuẩn bị tiền giấy, vàng mã, đồ tế lễ trước khi diễn ra nghi lễ 15 ngày. Khi chuẩn bị vàng mã, tiền giấy, các già làng, trưởng bản sẽ phải chọn ra một không gian thích hợp để thực hiện nghi lễ tồm đàng, bởi những người làm vàng mã, tiền giấy sẽ phải ở yên trong không gian thực hành nghi lễ đó trước 15 ngày và chỉ khi nào nghi lễ kết thúc, những người đó mới được trở về nhà. Lễ tồm đàng do người Dao trong phạm vi một làng hoặc một xã cùng đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội; thời gian tổ chức kéo dài vài ngày gồm cả lễ và hội, thường diễn ra vào cuối năm; đàn cúng tế được lập bằng sàn tre, gỗ, trên đàn tế trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ cúng, vải, nhiều đồ vật trang trí kết từ tre nứa, những lễ vật từ nông nghiệp như: lợn, gà, trâu, bò, thóc... và nơi lập đàn để tổ chức lễ tồm đàng thường ở trung tâm, nơi có bãi đất rộng, bằng phẳng. Không gian thiêng nghi lễ lúc này do các thày cúng lựa chọn, khi chọn được địa điểm để lập đàn cúng tế, thày cúng phải xin âm dương, xin thần Thành hoàng làng, nếu các thần đồng ý thì không gian đó mới được lập đàn chay. Cứ 3-5 năm người Dao lại tổ chức lễ tồm đàng một lần, phải lặp lại trong ba năm liên tiếp: năm thứ nhất gọi là Lạc Khánh, năm thứ hai gọi là lễ Hoàn Nguyên, năm thứ ba làm lễ lớn gọi là Đại Hội. Vào ngày lễ tồm đàng, tất cả đàn ông trong bản đã được cấp sắc sẽ múa điệu múa rùa sau khi thày cúng thực hành nghi lễ Bàn Vương xong để mua vui cho Bàn Vương và các thần về dự nghi lễ cùng với dân bản. Ngoài việc múa mua vui cho các thần, thì đây cũng là dịp để trai gái người Dao trao duyên cho nhau để rồi những lễ hội Bàn Vương tiếp theo họ sẽ nên duyên vợ chồng.

Nghi lễ cúng Bàn Vương trong lễ tồm đàng về căn bản khá giống với lễ tẩy thâu, đàng ton, gồm các nghi lễ chính như: lễ khất, lễ cúng Bàn Vương, lễ tiễn đưa, song có điều quy mô diễn ra trong phạm vi làng xã, chứ không chỉ trong phạm vi gia đình, dòng họ. Lễ khất được tổ chức vào những năm làm ăn thất bát, sinh hoạt của cộng đồng người Dao gặp nhiều tai ương, người Dao làm lễ này để hứa với Bàn Vương rằng nếu Bàn Vương phù hộ cho họ thoát khỏi cảnh khó khăn sẽ tổ chức lễ cúng Bàn Vương long trọng. Lễ cúng Bàn Vương được tổ chức theo quy mô lớn, các thày cúng được mời đến lập đàn cho các thánh tướng và âm binh của thày cúng, tiếp đến thày cúng làm phép tẩy uế, dán bùa quanh chay đàn, khấn Bàn Vương. Họ còn kể lại sự tích khai thiên lập địa, sự tích nạn hồng thủy và câu chuyện quả bầu, sự tích Bàn Vương, quá trình thiên di của người Dao vào Việt Nam. Lễ tiễn đưa diễn ra sau khi người Dao đã làm xong lễ cúng Bàn Vương. Trong lễ này, các thày cúng đốt vàng mã, tiễn đưa Bàn Vương, gia tiên về thế giới bên kia (3). Song, cho dù nghi lễ cúng Bàn Vương diễn ra ở không gian bàn thờ gia tiên, không gian giữa của ngôi nhà hay không gian giữa làng thì ở các không gian đó người Dao luôn tẩy uế kỹ càng trước khi thực hành nghi lễ và đặc biệt luôn được trang hoàng, trang trí rất lộng lẫy với những hình rồng, hình cá, hình thuyền để tái hiện lại quá trình vượt biển của người Dao khi đến vùng đất mới. Đến được vùng đất mới, vượt được biển thành công đó chính là nhờ công lao to lớn của thần Bàn Vương.

Kết luận

Như vậy, trong tâm thức cộng đồng dân tộc Dao, niềm tin vào sự tồn tại và chi phối đến đời sống hiện thực con người từ thủy tổ của loài người, tộc người được bộc lộ rõ qua các truyện kể dân gian. Từ ý niệm về sự chi phối của thế giới thần linh, thế giới siêu nhiên đã dần đến các hình thức thờ cúng tồn tại trong cộng đồng, từ đó người Dao đã hình thành nên một không gian nghi lễ Bàn Vương phụ thuộc vào đó là lễ cúng to hay lễ cúng nhỏ. Người Dao luôn có ý niệm về tổ tiên của mình gắn với nhân vật huyền thoại là Bàn Vương, vì thế nhân vật này đã đi vào trong tín ngưỡng dân gian của họ trong nhiều nghi lễ khác nhau ở mỗi nghi lễ Bàn Vương được cúng tại những nơi thờ cúng khác nhau có thể là bàn thờ gia tiên, bàn thờ tạm hay đàn cúng tế. Nghi lễ thờ cúng Bàn Vương phản ánh niềm tin, sự ngưỡng vọng của cộng đồng đối với vị thần bảo hộ cho đời sống vật chất và tinh thần của họ. Trên thực tế, người Dao ở Việt Nam trải qua những cuộc thiên di từ bao đời nay, một cộng đồng di cư thường đi đến nhiều vùng đất khác nhau, trong quá trình ấy, họ luôn luôn ý thức về cội nguồn, tổ tiên của mình, cho nên khi đi đến các vùng đất mới dù ở bất cứ nơi đâu thì việc thờ cúng chung vị thần Bàn Vương vẫn được duy trì. Hơn nữa, việc thờ cúng và thực hành nghi lễ về vị thần này ở tất cả các nhóm Dao còn nhằm thỏa mãn nhu cầu về sự chở che của vị thần đối với cộng đồng cư dân. Chính vì thế, tín ngưỡng thờ Bàn Vương đã trở thành một tiêu chí quan trọng để nhận dạng định danh của người Dao.

___________________

1, 2, 3. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.298-299, 19-20, 273-274.

Tài liệu tham khảo

1. Chảo Văn Lâm, Thơ ca hôn lễ người Dao Đỏ ở Lào Cai, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2013.

2. Triệu Hữu Lý, Truyện Đặng Hành và Bàn Đại Hộ, Tạp chí Dân tộc học, số 2, Hà Nội, 1974.

3. Triệu Hữu Lý, Bàn Hộ - Trường ca dân tộc Dao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1982.

4. Triệu Hữu Lý, Dân ca Dao, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1990.

5. Bàn Tuấn Năng, Truyện cổ dân tộc Dao, Nxb Dân trí, Hà Nội, 2013.

6. Phan Đăng Nhật, Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1981.

7. Võ Quang Nhơn, Văn học dân gian các dân tộc ít người, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.

8. Nhiều tác giả, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 17, 18: Dân ca, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008.

9. Tẩn Kim Phu, Truyện thơ người Dao Khâu ở Sìn Hồ - Lai Châu, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2012.

10. Lý Hành Sơn, Lễ cấp sắc và bản sắc văn hóa người Dao, Tạp chí Dân tộc học, số 3, Hà Nội, 2002.

11. Lý Hành Sơn, Các nghi lễ chủ yếu trong chu kì đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể Bắc Kạn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

TS BÀN THỊ QUỲNH GIAO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024

;