Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội đã có quá trình lịch sử liên tục, lâu dài. Trên con đường phát triển đi lên của đất nước, Đảng luôn khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tuy nhiên, với mỗi giai đoạn khác nhau, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có những đòi hỏi khác nhau.
Nhằm tiếp tục nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.
Du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh Phạm Lự
Để thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức đảng, cấp ủy và lãnh đạo các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, đóng vai trò quyết định trực tiếp đến hiệu quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, quần chúng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những hoạt động của công tác xây dựng Đảng trong mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mà trong đó hạt nhân là cấp ủy đảng có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Lãnh đạo các cấp cần xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, quần chúng thuộc quyền; nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giáo dục, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Các tổ chức quần chúng có vai trò quan trọng trong vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên hưởng ứng và thực hiện tốt các mục tiêu của cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền đề ra. Theo chức năng và nhiệm vụ của mình, các tổ chức đoàn thể có thể tham mưu, đề xuất với cấp ủy, lãnh đạo những nội dung, biện pháp, hình thức tổ chức phong trào thi đua về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vận động các hội viên, đoàn viên tham gia và đẩy mạnh thực hiện đi vào chiều sâu, góp sức cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp trong thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Chất lượng, hiệu quả đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ phụ thuộc vào việc phát huy vai trò của hệ thống tổ chức và cấp ủy, người lãnh đạo các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện mà còn phụ thuộc rất lớn vào các hình thức, phương pháp giáo dục. Đồng thời với phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân, cần đổi mới và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp tổ chức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là yêu cầu vừa cơ bản, cấp bách, vừa thường xuyên của quá trình đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng.
Có cách làm cụ thể để tạo sức mạnh tổng hợp, bảo đảm cho hoạt động đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực tế
Trong tình hình hiện nay, việc tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, quần chúng; tăng cường phương pháp nêu gương của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương; lồng ghép có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua và các cuộc vận động khác trong xây dựng cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương; lựa chọn xây dựng những đơn vị điểm; tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời.
Đa dạng hóa và kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm khắc phục những nhận thức không đúng, bảo thủ, trì trệ, làm cho qua chuyện, bệnh thành tích… Nếu kết hợp tốt, đồng bộ các hình thức, phương pháp trên thì việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ khả thi và có hiệu quả thiết thực.
Đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy toàn cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, quần chúng thi đua rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực. Để thực hiện việc nhân rộng điển hình tiên tiến có hiệu quả, cần thực hiện một số nội dung sau:
Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng ở cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí điển hình tiên tiến, làm cơ sở để các tập thể, cá nhân phấn đấu, bình xét, khen thưởng. Việc làm này phải được tiến hành công khai, dân chủ; các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thật sự là những tấm gương tiêu biểu.
Tạo môi trường thuận lợi để các điển hình tiên tiến phấn đấu, rèn luyện và nâng cao vai trò trong thực tiễn.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt để tập thể, cá nhân học tập và phấn đấu.
Đẩy mạnh tính tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đây là giải pháp giữ vai trò trụ cột. Bởi nếu bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng không nêu cao tinh thần tự giác, chủ động tự học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng công việc cụ thể hàng ngày tại cơ quan, đơn vị cũng như sinh hoạt tại địa phương, gia đình thì kết quả đạt được sẽ không cao. Để phát huy vai trò tự giáo dục, tự rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách của cán bộ, đảng viên, quần chúng cần hết sức coi trọng việc phát huy tính tự giác, tích cực đấu tranh với cái xấu; luôn tự đấu tranh với chính mình để không bị ảnh hưởng của những mặt xấu tác động.
Kết hợp chặt chẽ tự giáo dục, tự rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng của từng cán bộ, đảng viên, quần chúng với sự tăng cường công tác quản lý, giáo dục việc rèn luyện đạo đức, tác phong của các cấp lãnh đạo, tổ chức, chính quyền địa phương. Vì vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách cho cán bộ, đảng viên, quần chúng trong giai đoạn hiện nay cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của hai phía: cá nhân cán bộ, đảng viên, quần chúng và sự quản lý, giáo dục của các cấp lãnh đạo, tổ chức, chính quyền.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, phát huy vai trò giám sát của tổ chức quần chúng trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Kiểm tra, giám sát là khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong ch Hồ Chí Minh. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, không cứng nhắc và nặng nề về hành chính hóa để tránh tình trạng đối phó, phô trương, không thực chất. Kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu, các bước, các hoạt động công tác để kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, yếu kém trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Việc kiểm tra, giám sát phải theo đúng phương châm: giám sát phải mở rộng; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất; cấp trên kiểm tra, giám sát cấp dưới; tổ chức đảng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và phát huy vai trò của cấp ủy cơ sở trong triển khai thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, tổng kết, rút kinh nghiệm, phát hiện nơi làm tốt, việc làm tốt, mô hình hay để kịp thời biểu dương, nhân rộng và chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo thành phong trào rộng khắp trong cơ quan, đơn vị, địa phương
Tác giả : Phạm Tuấn Minh
Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018