Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho giới văn nghệ sĩ nói chung và các nhạc sĩ nói riêng. Các nhạc sĩ viết về Người không chỉ với tư cách là một công dân yêu nước, mà với họ, đó còn là tình cảm cá nhân, ẩn chứa sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với vị cha già kính yêu của dân tộc. Không cần sử dụng quá nhiều thủ pháp nghệ thuật, ngôn ngữ âm nhạc phức tạp, mà bằng sự dung dị, chân thành, các tác phẩm viết về Người đi vào lòng người nghe một cách tự nhiên, có sức sống lâu bền.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lịch sử dân tộc đã mở sang trang mới, những thông tin, hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người chiến sĩ cách mạng được lan tỏa rộng rãi hơn, cũng từ đó, các ca khúc viết về Người ra đời ngày càng nhiều, được đông đảo công chúng đón nhận. Trong số các nhạc sĩ viết về Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Chu Minh và Phạm Tuyên là một trong số ít người may mắn được gặp và trò chuyện cùng Bác.
1. Nhạc sĩ Chu Minh: Người là niềm tin tất thắng
Nhạc sĩ, giáo sư Chu Minh tên thật là Triệu Đạt Hiền, sinh năm 1931, tại Hà Nội. Ông tham gia cách mạng ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Sau khi được cử đi học tại Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh, về nước, ông là một trong những người đặt nền móng, xây dựng nên Đoàn Ca Múa Nhạc Trung ương. Với vị trí này, ông may mắn 5 lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những lần Bác đến thăm đoàn và những lần đoàn đến biểu diễn cho Bác và khách của Bác xem. Ông kể lại rằng, mỗi khi gặp đoàn văn công, Bác đều vẫy tay chào rất trìu mến, hình ảnh gần gũi ấy khắc sâu trong trái tim của người nhạc sĩ trẻ. Đối với ông, lòng nhân ái, tình yêu thương và sự vui tính của Bác luôn để lại những ấn tượng không thể nào quên.
Năm 1969, khi nhận được tin Bác ra đi, nhạc sĩ Chu Minh đã không giấu nổi cảm xúc, hòa cùng biết bao trái tim hướng về Bác, ông nghĩ mình phải sáng tác một ca khúc về Bác, nói lên tiếng lòng của bản thân và của dân tộc trước vị cha già kính yêu. Nhưng viết như thế nào, phải đặt bút từ đâu… luôn là những câu hỏi canh cánh trong ông. Bởi, ông luôn cho rằng, viết về Bác đã khó, mà để viết hay lại càng khó hơn.
Ngày 9-9-1945, nhạc sĩ Chu Minh cùng Hội Nhạc sĩ là một trong những đoàn cuối cùng được ưu tiên vào viếng Bác. Chính những giây phút ấy đã đem lại cho nhạc sĩ những cảm xúc đặc biệt, để tối hôm đó, ca khúc Người là niềm tin tất thắng ra đời. Ca khúc ấy đã được chọn để phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong lễ truy điệu Bác Hồ. Những ca từ trong ca khúc đã gieo vào lòng người dân Việt một niềm tin: “Vì độc lập tự do, đường lên phía trước rực màu cờ sao. Hồ Chí Minh, Bác Hồ Chí Minh kính yêu, Người là niềm tin tất thắng sáng ngời” (1).
Đã hơn 50 năm kể từ ngày Bác ra đi và cũng hơn 50 năm ra đời ca khúc Người là niềm tin tất thắng, nhưng ca khúc ấy vẫn luôn có một sức sống mãnh liệt trong đời sống âm nhạc, trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Bởi ca khúc không chỉ là tiếng nói của tâm hồn nhạc sĩ dành cho vị lãnh tụ kính yêu, mà còn hòa vào tình cảm của muôn vàn trái tim người con Việt Nam dành cho vị cha già của dân tộc. Ca khúc cho tới tận bây giờ vẫn luôn được vang mãi, và hình ảnh của Người càng thêm gần gũi, thân thương với nhiều thế hệ sau này. Điều đó đã cho thấy giá trị to lớn của một ca khúc không chỉ thành công ở một giai điệu hay, một lời ca đẹp mà còn thành công vì đã trở thành một cầu nối giữa muôn vàn trái tim cùng chung nhịp đập yêu nước, ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ ngay chính bản thân nhạc sĩ đã sáng tác nên ca khúc ấy cũng đã soi chiếu tâm hồn mình phần nào đó của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời nhạc sĩ đã sống giản dị và hết mình cống hiến cho nghệ thuật, cho việc đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ sau này. Ông đã là một người thày tận tâm, nhân ái, một giáo sư với nhiều tâm huyết cho biết bao thế hệ nhạc sĩ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
2. Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Như có Bác trong ngày vui đại thắng
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được công chúng nhiều thế hệ yêu mến bởi có nhiều sáng tác tiêu biểu về cách mạng, Bác Hồ, quê hương đất nước, đặc biệt nhiều ca khúc đã trở thành ca khúc truyền thống của lớp thiếu nhi các thế hệ. Tham gia thiếu sinh quân từ những năm 1949, đến năm 1954, ông được cử là cán bộ phụ trách Văn Thể Mỹ tại Khu học xá Trung ương. Năm 1956, trong một ngày đặc biệt, ông và những người trong đoàn của mình đã được sắp xếp tới gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất mà nhạc sĩ Phạm Tuyên có cơ hội gặp Bác. Khi ấy, Bác đã dặn dò và trò chuyện thân mật với cả đoàn và tất cả những ai có mặt đều không khỏi bỡ ngỡ bởi sự gần gũi của một con Người vĩ đại. Và chính những cảm xúc ấy về Bác đã giúp ông sáng tác nên nhiều ca khúc như Từ làng Sen, Như có Bác trong ngày vui đại thắng…
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với ký ức về ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng
Nói về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ, đêm 28-4-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin có một phi công Việt Nam (Nguyễn Thành Trung) lái máy bay Mỹ đánh bom ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông biết rằng, miền Nam sắp được giải phóng rồi. Có một cảm xúc đặc biệt reo lên trong tác giả. Như có Bác trong ngày vui đại thắng được viết ngay đêm đó, với những giai điệu giản dị, gần gũi, lời ca ngắn gọn, súc tích. Tuy Bác đã đi xa, nhưng chiến thắng đang đến gần, đó cũng là niềm mong mỏi và ước đoán của Bác, như những câu thơ trong bài thơ chúc Tết: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” (2). Thời gian đó, cứ mỗi lần đưa tin chiến thắng, trên Đài phát thanh lại vang lên những giai điệu của ca khúc này, tuy nhiên, lúc đó mới chỉ thu đồng ca một cách đơn giản. Sức lan tỏa của bài hát không chỉ là thành công của nhạc sĩ, mà với ông, đó là khi tiếng lòng của mình hòa với niềm vui chung của đất nước. Bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng bất ngờ với tình cảm của nhân dân lúc bấy giờ, chỉ trong thời gian ngắn, cả nước đã biết và hát ca khúc này.
Ngày nay, khi đất nước hòa bình, bài hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng lại được vang lên trong khi kết thúc thành công mỗi chương trình, mỗi đêm diễn, mỗi chiến thắng… và câu hát “Việt Nam - Hồ Chí Minh” như một điệp khúc vang vọng mãi trong trái tim mỗi người. Vượt qua khỏi biên giới Việt Nam, ca khúc đã lan tỏa tới nhiều nước như Nga, Đức, Cuba… Đặc biệt, năm 1979, Hội Âm nhạc lao động Nhật Bản đã dịch bài hát ra tiếng Nhật và in phổ biến xuống 49 tỉnh, thành để hát mừng mỗi sự kiện liên quan đến Việt Nam.
Ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng đánh dấu một sức sống mãnh liệt trong đời sống âm nhạc nước nhà. Ca khúc ấy đến nay vẫn làm lay động mỗi trái tim khi được vang lên. Một ca khúc mà hình ảnh của Bác luôn gắn với niềm vui chiến thắng, với hòa bình và thống nhất của dân tộc.
Có thể nói, trong kho tàng đồ sộ các ca khúc viết về Người, mỗi bài ca là một nét chấm phá về hình ảnh của Người với lối sống giản dị, gần gũi, luôn vì hạnh phúc của nhân dân; là tiếng lòng không chỉ của riêng nhạc sĩ, mà của cả dân tộc Việt Nam luôn hướng về Người. Chúng tôi tin rằng, những ca khúc như Người là niềm tin tất thắng hay Như có Bác trong ngày vui đại thắng sẽ tiếp tục sống mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Và những ca khúc tiêu biểu ấy đã có thành công không nhỏ trong việc đưa hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi hơn với thế hệ hôm nay.
_______________
1. Lời bài hát Người là niềm tin tất thắng - Chu Minh.
2. Hồ Chí Minh, bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu, 1969.
Tác giả: Vân Anh - Huyền Trang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 431, tháng 5-2020