Màu nắng vàng đã chói chang khắp lối, cơn gió khẽ xào xạc đung đưa trên cành lá, hắt hơi nóng hầm hập, một chiều chênh chao phố thị, ta nhớ những mùa hạ yêu thương đã qua…
Mùa hạ trong ta hình bóng quê nhà ẩn hiện với nhiều yêu thương đong đầy. Mùa gió nóng rượt đuổi nhau trên những tàu cau, trên mái ngói khô cong và con đường bụi tung trắng xóa. Mỗi mùa hạ về, ta cặm cụi cùng bà ra vườn nhặt mo cau để làm quạt. Ta nhớ những ngày hạ thường hay mất điện, trời lại nóng nên quạt mo thành “vật bất li thân” của mỗi người. Những mùa hạ tuổi thơ, chao ôi sao nóng vô cùng. Cái nóng lúc nào cũng đạt ngưỡng 39, 40 độ C. Ngồi trong nhà cũng đã thấy nắng nóng, mồ hôi ròng ròng chảy, đầm đìa ướt sũng quần áo. Giữa trưa, bọn trẻ con thi nhau đi tắm sông cho bớt nóng. Chiều tối về thì canh cái giếng làng mà múc từng gàu nước để vùng vẫy. Hồi ấy, chưa có máy bơm, cũng chẳng có nước máy về tận nhà như bây giờ, ai cũng ra giếng làng để múc nước giặt giũ rồi tắm giặt. Loanh quanh, ngày qua ngày trôi qua, cũng hết mùa hạ khắc nghiệt.
Ta lại nhớ mùa hạ của năm tháng ấu thơ với mùa gặt đồng quê. Đúng dịp nắng gắt nhất lúa bắt đầu chín. Người nông dân canh nắng để gặt cho kịp thời vụ, về phơi phóng lúa, rơm khô cho được giá. Đi gặt mùa hạ mới thấy người nông dân cực khổ như thế nào. Cái nắng táp vào tận mặt nên dường như khuôn mặt ai cũng sạm đen, sự khắc khổ lại càng rõ nét. Ta nhỏ dại đi theo cha mẹ, mang ấm nước, điếu thuốc cho người lớn nghỉ giữa buổi để giải lao. Mùa gặt theo ta ký ức về những con muồm muỗm nhảy tanh tách trong túi ni lông cầm bên. Mặc dù nắng nóng cháy da nhưng đầu lúc nào cũng nghĩ tới “bữa tiệc” muồm muỗm rang lên thơm phức béo ngậy thế nên ta càng thêm động lực mà lội ngược xuôi cánh đồng.
Mùa hạ trong ta là những đêm trăng sáng, cả nhà quây quần bên manh chiếu cũ, mẹ chuẩn bị một nồi khoai luộc bở tơi, còn cha chuẩn bị ấm nước chè xanh đậm đà xen lẫn vị chát ngọt. Cả nhà ăn khoai, ngắm trăng cho đến tối muộn mới kéo nhau vào nhà đi ngủ. Ta nằm trên đùi của cha ngửa mặt nhìn những chòm sao sáng lung linh, hồn nhiên hỏi đường lên trời bao xa, có bao giờ chạm tới được những vì sao nhỏ xíu trên kia không? Cha nhẫn nại chỉ cho ta đâu là chòm sao Thần Nông, sao Bắc Đẩu, dải Ngân Hà, rồi cả đàn vịt, đàn thiên nga… đang tung tăng trên trời. Phía bên ngoài vuông sân, màn đêm tĩnh mịch, ếch nhái ầm ĩ kêu khắp nơi, côn trùng rả rích. Những buổi tối như vậy với ta luôn bình yên biết nhường nào. Có lúc ta cứ muốn thời gian ngừng trôi để mà tận hưởng từng khoảnh khắc đáng quý như vậy.
Những ngày hạ nhớ về bữa cơm quê nhà đạm bạc mà ấm cúng vô cùng. Mùa hạ khô không khốc, cây cối chẳng lớn nổi. Có những ngày cả nhà phải ăn tạm rau dại già cỗi hay bữa cơm chỉ có bát canh cà chua nấu loãng với nước lạnh. Có bữa cải thiện hơn nhờ những lần cha đi ruộng về bắt nhúm cua đồng gầy rạc. Nhưng đó lại là món ngon tuyệt vời. Cha giã cua đồng thật nhuyễn lọc lấy nước nấu lên thả một nhúm rau dại vào là có ngay nồi canh ngọt lành. Những bữa cơm như thế sẽ rất dễ bị “cháy nồi” (nói theo cách nói vui của mẹ) khi nhìn đàn con hau háu ăn. Sau này lớn lên đi xa, ta có cơ hội thưởng thức bao nhiêu là của ngon vật lạ nhưng chẳng thể nào quên được bữa cơm quê mùa hạ đạm bạc năm nào. Đó không chỉ là bữa cơm thông thường nữa mà còn tình cảm gia đình thiêng liêng hạnh phúc.
Mùa hạ yêu thương cứ thế trôi đi theo hành trình lớn lên của ta. Rời làng ra phố lúc nào lòng ta cũng đau đáu nỗi niềm trở lại quê nhà. Ở đó, một phần tâm hồn của ta đã neo giữ, có những kỷ niệm trở thành vĩnh cửu, là hành trang vững chải để ta tự tin bước vào đời…
TĂNG HOÀNG PHI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 534, tháng 5-2023