Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

"Người giữ lửa" nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer

Ở cái tuổi gần 70, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Danh Bê vẫn miệt mài sáng tác kịch bản và cùng các thành viên trong gia đình luyện tập những điệu múa Rô băm, Dù kê,… nhằm trao truyền, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer.

ca xèng

NNƯT Danh Bê trang trí đạo cụ

 

Nghệ thuật Khmer cháy bỏng trong tim

NNƯT Danh Bê, ngụ ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ông sinh năm 1955, trong một gia đình có truyền thống yêu nghệ thuật Khmer. Ba má ông có 6 người con, ông là con thứ 5 trong gia đình. Ngay từ nhỏ, ông Danh Bê đã được ông ngoại Danh Bại, chú ruột Danh Biên và cha ruột Danh Cui truyền dạy cách sử dụng các loại nhạc cụ và trình diễn các điệu múa, bài hát Khmer,... Ông Danh Bê được chú Danh Biên hướng dẫn các vai diễn múa Chằn được 7 năm thì được lên đóng vai chính hoàng tử, sau đó được giao đóng giả vai nữ, rồi vừa học vừa đóng vai diễn hề tại Đoàn văn nghệ Khmer xã Định Hòa.

Để trau dồi nghiệp vụ cũng như thoả mãn niềm đam mê nghệ thuật Khmer lúc nào cũng khát khao, cháy bỏng trong lòng, ông đã nhiệt tình tham gia vào những phong trào biểu diễn nghệ thuật Khmer ở các phum, sóc của chùa trong xã nhân dịp lễ, Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.

Sự truyền dạy của thế hệ đi trước, niềm đam mê nghệ thuật Khmer của bản thân đã hun đúc, chăm bồi tình yêu nghệ thuật Khmer trong trái tim Danh Bê ngày một lớn dần lên. Chính vì vậy, ông được biết đến là người sử dụng được nhiều loại nhạc cụ Khmer và sáng tác nhiều kịch bản, dạy múa Khmer nhiều nhất trong những người am hiểu nghệ thuật Khmer ở địa phương.

Năm 1972, ông tham gia Đoàn Văn nghệ Khmer xã Định Hòa. Năm 1976, ông tham gia Đoàn Văn công Khmer tỉnh Kiên Giang do ông Nuôl Nuôi làm Trưởng đoàn với các vai diễn như: Vai Chằn trong tuồng Thạch Sanh – Lý Thông, vai độc “tướng cướp” trong tuồng Sulddongkhma,....

Năm 1978, Danh Bê rời Đoàn Văn công Khmer tỉnh Kiên Giang trở về địa phương sinh sống. Trở về với cuộc sống đời thường với bao lo toan vất vả bủa vây gia đình nhưng tình yêu nghệ thuật Khmer vẫn luôn cháy bỏng trong con người ông. Trong lòng ông luôn tâm niệm lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng những con người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”. Từ đó, ông đã vận động, tập hợp một số anh em, con cháu có năng khiếu và yêu thích hát nhạc Khmer trong ấp Hòa Thiện thành lập đội văn nghệ của ấp. Ông Danh Bê trực tiếp sáng tác kịch bản, dạy các điệu múa Rô băm, Dù kê, Sarawone, múa gáo, múa dằm; sáng tác chuyển lời Khmer sang lời hát lời Việt: Lambada, Kiên Giang quê hương tôi, Về thăm Kiên Giang, Nhớ ơn Bác, Tình Bác sáng mãi, Chiếc áo nàng Sa rết, Vui ngày hội,… cho từng người và tham gia các hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Điều đáng mừng là tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, khu vực,… đội văn nghệ do ông lãnh đạo đều đoạt giải cao.

“NNƯT Danh Bê là người Khơmer đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Ông là tấm gương sáng trong bảo tồn văn hoá nghệ thuật cộng đồng dân tộc Khơmer ở địa phương, là gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để mọi người học tập, noi theo” - Hòa thượng Danh Đồng, trụ trì chùa Cà Nhung, xã Định Hòa, chia sẻ.

Giữ “lửa” nghệ thuật truyền thống

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy ”, NNƯT Danh Bê, cho biết, năm 2000, Đoàn Văn nghệ Dù kê xã Định Hòa được thành lập, do ông làm Trưởng đoàn, thành viên nòng cốt của Đoàn Văn nghệ Dù kê xã Định Hòa là con cháu, dâu, rể trong gia đình gồm 39 thành viên, mà người ta thường gọi với cái tên trìu mến, thân thương “Gánh hát gia đình”, “Gia đình tài tử”,... và có lẽ, đây là gánh hát có một không hai trong tỉnh Kiên Giang làm nghệ thuật. Để có đạo cụ, trang phục phục vụ biểu diễn cùng chi phí đi lại, gia đình ông đã phải lần lượt bán đất để lo chi phí. Bà Thị Đen – vợ ông, bảo, gần 30 năm hoạt động nghệ thuật của ông ấy đã tiêu tốn mất của cô “10” công đất ruộng. Để giữ “lửa” và trao truyền nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer phải đổi lấy “10” công đất chứng tỏ Danh Bê yêu quý và hy sinh vì nghệ thuật nhiều lắm, ở địa phương ít ai thực hiện được. Tôi ngạc nhiên. Thế có khi nào bà giận ông không? “Lúc đầu cũng có giận đấy, sau rồi thương vì biết ông ấy hy sinh vì nghệ thuật nhằm bảo tồn văn hóa nghệ thuật của dân tộc Khmer của quê hương mình”, bà Thị Đen - vợ ông Danh Bê tâm sự.

Biết làm sao được, ngay từ nhỏ, ông Danh Bê đã thích những điệu múa Rô băm, hát kịch Dù kê của quê hương rồi. Nó ăn sâu vào từng tế bào trong cơ thể ông. Vì thế, hy sinh vì nó cũng là lẽ thường tình của một con người yêu nghệ thuật. Ngoài những kiến thức về nghệ thuật dân gian Khmer được cha, ông truyền dạy, ông Danh Bê còn tự nghiên cứu, học hỏi, tự làm được các loại nhạc cụ, các loại mặt nạ trong sân khấu Rô băm, sáng tác kịch bản các bài múa dân gian truyền thống như: Apsara, Saravan, Rô băm, múa sa dăm, múa gáo; mua sắm các đạo cụ; lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể như: đờn cò, đờn gáo, đờn tranh, ống sáo, song lan, giàn trống, đầu khỉ, đầu chằng, đầu ngựa,…

Hằng ngày, vào mỗi buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ, ở trước sân nhà mình, NNƯT Danh Bê lại truyền dạy cho con cháu mình nghệ thuật hát Dù kê, diễn chằn ra sao, làm thế nào để lột tả được vai công chúa; hướng dẫn rất kỹ cho các cháu động tác của những điệu múa truyền thống dân tộc như Sarikakeo, Sa-vông,… sao cho đúng, sao cho có hồn, đậm đà bản sắc của đồng bào Khmer. Mỗi buổi tập như thế đều cuốn hút bà con trong ấp đến xem gia đình ông tập dượt. Tiếng đờn, lời ca của gánh hát gia đình ông, cộng thêm tiếng vỗ tay không ngớt của bà con làm một vùng quê thêm rộn ràng, vui vẻ.

Trong gánh hát gia đình ông, con cái, dâu, rể, cháu từ nhỏ đến lớn đều đoàn kết, hăng hái, nhiệt tình, hăng say với nghệ thuật truyền thống của người Khơme, trong đó có nhiều em còn là học sinh, như: Danh Minh Phát, Danh Trọng cùng là học sinh lớp 1; Danh Thị Phương Trang, học sinh lớp 2, Danh Thị Ngọc Bảo Yến, học sinh lớp 4, Danh Duy Minh, học sinh lớp 5, cùng học Trường Tiểu học xã Định Hòa 1. Danh Huỳnh Thi, lớp 7, Danh Cường, lớp 7, Danh Thị Kim Phụng và Danh Thị Phương Vy cùng học lớp 6, Danh Thị Mỹ Xuyên, Danh Thị Quỳnh Như, học sinh lớp 9, Trường THCS xã Định Hòa. Danh Thị Mỹ Hạnh học sinh lớp 12 và 8 người cháu đang tham gia đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang. Hiện, ông Danh Bê đang giao trọng trách Phó Trưởng đoàn cho Danh Thị Mỹ Hạnh để quen với công tác quản lý. Ông đã lớn tuổi, trọng trách Trưởng đoàn sẽ giao lại cho Danh Thị Mỹ Hạnh khi đến tuổi trưởng thành.

Chia sẻ với phóng viên, em Danh Huỳnh Thi, học sinh lớp 7 cho biết, em rất thích múa nên mỗi khi ông dạy múa, hát, biểu diễn, em đều nỗ lực luyện tập để cho thuần thục, để thể hiện sâu đậm bản sắc của nghệ thuật dân tộc. Không chỉ vậy, em còn tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường và một số cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Tham gia Liên hoan văn nghệ hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021 tại tỉnh Hậu Giang, em đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc.

Dù đã lớn tuổi nhưng NNƯT Danh Bê vẫn tích cực tham gia sáng tác, dàn dựng các tiết mục hát múa Khmer cho các con cháu. Một năm nghệ nhân sáng tác được khoảng 50 bài hát Dù kê, mỗi vở tuồng tập 6 tháng. Để có chi phí trang trải cho hoạt động của gánh hát gia đình, Danh Bê thường xuyên nhận các “sô” biểu diễn của các cá nhân, cơ quan, chùa Khmer, lễ hội Ok-Om-Bok, Dolta, Chôl-Chnăm - Thmây, hát đua ghe ngo, Lôtô… trong và ngoài tỉnh với tần suất mỗi năm đoàn đi diễn trên 15 lần. Ông kể, khi đoàn biểu diễn trong sô diễn Lôtô ở Đường Xuồng, Tổng Quản huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang với 3 tiết mục, đoàn được bồi dưỡng 3.000.000 đồng. Thu nhập tùy vào sô diễn cũng đủ chi phí đi lại chứ không có dư.

Phó Chủ tịch UBND xã Định Hòa, huyện Gò Quao Lê Thanh Nhi cho biết, gia đình NNƯT Danh Bê là một trong những gia đình Khmer tiêu biểu ở địa phương. Trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở địa phương, gia đình ông đều tích cực tham gia và có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển.

ca xèng

Gánh hát gia đình NNƯT Danh Bê biểu diễn Nghệ thuật Khmer cho du khách

 

Nỗi niềm trăn trở

Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Kiên Giang cho biết, ở Kiên Giang, trong lĩnh vực nghệ thuật thì NNƯT Danh Bê là tiêu biểu và “đặc biệt”. “Đặc biệt” ở chỗ, cả gia đình đều làm nghệ thuật mà không có bất cứ sự xích mích nào. Chỉ cần một  mâu thuẫn nhỏ của một trong các thành viên thì sẽ không thể thực hiện được các vở diễn. Điều đó cho thấy các thành viên trong gia đình NNƯT Danh Bê rất đoàn kết và yêu nghệ thuật, cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

Từ khi thành lập cho đến nay, gánh hát gia đình NNƯT Danh Bê thường xuyên tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh Kiên Giang, mỗi năm gần 10 lần và đều đoạt giải cao. Từ năm 2005 đến 2007, các năm 2011, 2014, 2015 đoạt Giải A toàn đoàn Liên hoan Việt Nam Khmer huyện Gò Quao. Năm 2006, 2008, 2009, 2010, 2012, 2013, đoạt Giải B toàn đoàn Liên hoan Việt Nam Khmer huyện Gò Quao.

Năm 2011, đoàn đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại tỉnh Quảng Nam. Năm 2014, đoạt thành tích xuất sắc tại Cuộc thi Hoa phượng đỏ tỉnh Kiên Giang. Năm 2015, tại Hội thi các dân tộc tại tỉnh Ninh Thuận đoàn đoạt giải Nhì. Cùng năm đó, NNƯT Danh Bê được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tặng bằng khen về giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống và đoạt giải ba, tại Liên hoan tác phẩm múa tỉnh Kiên Giang. Năm 2019, ông Danh Bê được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “NNƯT”. Tháng 4/2024, NNƯT Danh Bê vinh dự được Bộ trưởng Bộ VHTTDL tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương. Ngoài ra, NNƯT Danh Bê còn nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của UBND các cấp.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong lĩnh vực nghệ thuật, NNƯT Danh Bê vẫn canh cánh bên lòng những trăn trở, lo âu. Thực trạng những điệu múa Rô băm, Dù kê,… truyền thống của đồng bào Khmer đứng trước nguy cơ ngày càng mai một do xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhiều loại hình nghệ thuật mới xuất hiện cuốn hút giới trẻ khiến họ không còn mặn mà với những điệu múa Rô băm, Dù kê,… truyền thống. Ông Danh Bê trăn trở, mỗi chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy nó để nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình được lan toả sâu rộng trong cộng đồng. Để làm được điều đó, rất cần sự quan tâm của nhà nước trong việc thành lập nhiều đội văn nghệ Khmer, được hỗ trợ về nhạc cụ, âm thanh và có những chính sách kịp thời để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nếu không, sẽ khó bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer.

 

TRƯƠNG  ÁNH SÁNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;