Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử

Vai trò quan trọng của báo chí nước ta thời gian qua đã được khẳng định rõ nét với việc thông tin, tuyên truyền về chính trị, pháp luật, mọi mặt đời sống văn hóa… tới đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần hình thành nhận thức, điều chỉnh hành vi nhằm xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Tại hội thảo Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử (1) có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà báo đã có những phát biểu chỉ rõ mặt được và chưa được của báo chí trong việc phát hiện, phản ánh những bất cập của đời sống văn hóa, từ đó hoàn thiện chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với thời đại.

ca xèng

Hội thảo “Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử” - Ảnh: Ngô Huyền

 

     Thế nào là văn hóa ứng xử? Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Văn hóa ứng xử là sự thể hiện triết lý sống, lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, với xã hội. Văn hóa ứng xử nói chung được thể hiện ở các lĩnh vực cuộc sống: lối sống, lý tưởng, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp, văn hóa chấp hành luật pháp, nội quy, quy định trong nhà trường, văn hóa thực hiện công vụ, văn hóa giao tiếp, văn hóa ăn mặc, sức khỏe, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, trình độ xã hội, việc ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội”.

     Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà báo đã sôi nổi thảo luận, trình bày đúc kết những phát hiện, nghiên cứu của bản thân và tổ chức, khẳng định những đóng góp quan trọng của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử. Các đại biểu cũng xác định rõ những đặc điểm chung của văn hóa ứng xử của con người Việt Nam; đồng thời phân tích thực trạng văn hóa ứng xử trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội cũng như dùng sức mạnh lan tỏa, gửi đi những thông điệp tốt đẹp, góp phần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử; nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền, biểu dương những tấm gương điển hình người tốt việc tốt, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội; các đại biểu cũng thể hiện trách nhiệm của mình khi đề xuất được những giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả trong công tác truyền thông của báo chí thời gian tới.

     Văn hóa ứng xử là bộ mặt của văn hóa. Tất cả những hành động, biểu hiện trong ứng xử của một con người sẽ phản ánh được người đó có văn hóa, văn minh hay không. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả quốc gia, dân tộc… Một dân tộc, một cộng đồng giàu có, GDP đầu người cao, có nhiều công nghệ hiện đại thì cũng đáng được ca tụng, nhưng càng tự hào hơn khi dân tộc đó được ca ngợi là dân tộc có văn hóa”.

     Những nỗ lực của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử

     Nói về vai trò tích cực của báo chí trong tạo dựng môi trường thông tin lành mạnh, nhà báo Lê Thư (báo Người đại biểu nhân dân) đã cung cấp những con số rất đáng quan tâm. Năm 2018, theo thống kê của We Are Social (Công ty toàn cầu chuyên tư vấn và nghiên cứu truyền thông xã hội), Việt Nam có 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, đứng thứ 7 trên thế giới. Tuy nhiên, một khảo sát của chương trình nghiên cứu internet và xã hội cho thấy, trên mạng xã hội, tỷ lệ thông tin nói xấu, phỉ báng chiếm 61,7 %, thông tin vu khống, bịa đặt chiếm 46,6%; kỳ thị dân tộc 37,1%; kỳ thị giới tính 29,03%; kỳ thị khuyết tật 21,76%; kỳ thị tôn giáo 15,09%. Từ những con số này, nhà báo Lê Thư cho rằng, việc tạo dựng một môi trường thông tin mạng lành mạnh là rất cần thiết. Quá trình tham gia ứng xử xã hội từ môi trường internet ra cuộc sống thực tại ngày nay trở nên rút ngắn hơn bao giờ hết, điều đó cho thấy, người tiếp nhận thông tin có thể điều chỉnh được hành vi của mình một cách đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực văn hóa nhờ định hướng của báo chí, nhưng cũng có thể trở nên tiêu cực, hành động phản văn hóa, vi phạm pháp luật nếu nhận về luồng thông tin sai chuẩn, không chính thống.

     Ngoài ra, “xét về góc độ xã hội, báo chí đã có công khi phát hiện ra cái xấu. Không có báo chí lên tiếng, bạn đọc làm sao biết được ở đâu đó trong xã hội đã xuất hiện những thứ lệch chuẩn” (2). “Những năm gần đây, tình trạng văn hóa xuống cấp, trong đó văn hóa ứng xử nhiều khi đến mức báo động, đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn” (3). Những đóng góp tích cực này của báo chí là không thể phủ nhận. Nhiều tấm gương việc tốt, người tốt được biểu dương, đã tạo động lực, khích lệ người khác làm việc thiện, đồng thời những cái xấu, cái lệch chuẩn bị phơi bày, làm giảm được phần nào những bức xúc, bất cập trong xã hội.

     Nhận diện những mặt còn hạn chế

     Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử, các đại biểu tại hội thảo cũng mạnh dạn chỉ ra những biểu hiện “chưa chuẩn mực của báo chí” trong thời gian qua. Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam bày tỏ: “Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tồn tại tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa ứng xử, thiếu gương mẫu trong cách ứng xử văn hóa, thậm chí vi phạm các quy tắc. quy định về văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật làm tổn hại đến thanh danh, uy tín cá nhân, tổ chức. cộng đồng… Mặt khác, trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí nhiều khi chưa có những cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong điều chỉnh nhận thức, hành vi của cộng đồng”. Có một hiện tượng, báo chí bây giờ mải chạy theo “câu view” quá nhiều. Những hiện tượng không tốt lại được làm “nóng” lên, thậm chí “nuôi dưỡng” những điều thiếu tích cực. Đó là sự không chuẩn mực của báo chí. Vai trò của báo chí là định hướng dư luận xã hội chứ không phải chạy theo khai thác những hiện tượng tiêu cực, không lành mạnh. Nhiều tờ báo hiện nay, lợi dụng sự tò mò, thích những chuyện thỏa mãn hiếu kỳ, giật gân… của một bộ phận độc giả mà không ngại đăng tải những câu chuyện, tin tức thiếu văn hóa, chưa được kiểm chứng, chỉ nhằm mục đích thu hút lượng đọc cao, qua đó khẳng định thương hiệu của mình và tăng doanh thu quảng cáo. Ngược lại, những bài viết về tấm gương người tốt việc tốt, hiện tượng tích cực lại không được quan tâm, chú trọng. Điều này cũng phản ánh một bất cập, đó là, cái hay, cái tốt thì báo chí thường làm qua loa, đăng tải cho có với thời lượng ít ỏi, còn cái tiêu cực, lệch chuẩn nhưng được bộ phận độc giả tò mò quan tâm lại được khai thác quá sâu, chi tiết đến tầm thường. Nếu cứ nhìn vào những gì báo chí phản ánh, thậm chí có những tờ báo có đến 70-80% thông tin tiêu cực thì sẽ khiến cho hình ảnh bức tranh xã hội trở nên lệch lạc, sai chuẩn. Trên thực tế, những câu chuyện nhân văn, tử tế, nếu biết khai thác một cách hấp dẫn thì lượng độc giả sẽ rất đông đảo. Cái tài của nhà báo là không ngại xông pha, tìm tòi những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng mà trong trẻo, ý nghĩa rồi truyền tải đến công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả.

     Về vấn đề này, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phản ánh: Thời gian vừa qua, khi viết về các hoạt động tôn giáo, nhiều nhà báo chưa am hiểu về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng như quy định pháp luật về lĩnh vực nên đã có những bài viết thông tin lệch lạc. Qua đó, Hòa thượng đề nghị các nhà báo nên tìm hiểu kỹ, tham khảo ý kiến những người có uy tín để có những bài viết phản ánh đúng thực tế, thuyết phục bạn đọc, định hướng dư luận một cách đúng đắn, trung thực mà không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tôn giáo.

     Hay xét về thực trạng người làm báo trong lĩnh vực giải trí có phần lệch chuẩn dẫn đến làm ảnh hưởng chuẩn mực văn hóa của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, Đại tá Nguyễn Văn Hải, Báo Quân đội nhân dân đã lấy nhiều dẫn chứng để bày tỏ sự băn khoăn về thị hiếu khán giả trẻ trong thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật hiện nay. Lấy ví dụ như MV ca nhạc Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, mặc dù nội dung có nhiều từ ngữ chân thực đến mức suồng sã, mộc mạc đến mức tầm thường nhưng vẫn được nhiều báo đài lăng xê, tung hô, tác động tiêu cực đến thị hiếu âm nhạc lành mạnh của giới trẻ. Nhiều câu chuyện đang tồn tại khác cũng được Đại tá đề cập và phân tích, chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, suy nghĩ của người trẻ tuổi.

     Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện hạn chế trong ứng xử văn hóa của người Việt Nam như: tình trạng chen lấn, lãng phí, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, ồn ào, trễ giờ… Những hành vi văn hóa ứng xử không chuẩn mực nảy sinh, biểu hiện rõ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, vì sức ép kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề môi trường, văn hóa xã hội… Với những mặt hạn chế như vậy, báo chí cần phê phán, tẩy chay quyết liệt, để quần chúng nhân dân nhìn vào đó mà điều chỉnh ý thức, hành vi của bản thân sao cho lịch sự, chuẩn mực, đồng thời cảm thấy xấu hổ nếu có “lỡ” mắc phải.

     Tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông về văn hóa ứng xử như thế nào?

     Phóng viên Trần Thanh Thủy (Đài PTTH Hà Nội) nhận định: sau những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, qua báo chí truyền thông, hình ảnh người Hà Nội thân thiện, mến khách đã tạo dấu ấn mạnh mẽ cho bạn bè quốc tế. Điều đó cho thấy sức mạnh của các cơ quan báo chí đối với việc thay đổi nhận thức của chính quyền và người dân với văn hóa ứng xử. Từ đó bà đưa ra đề xuất, việc tuyên truyền về văn hóa ứng xử cần được các cơ quan báo chí thực hiện liên tục trong thời gian dài để những quy tắc ứng xử có điều kiện tốt nhất ăn sâu, bám chắc trong đời sống người dân. Bên cạnh đó, cần tăng kinh phí tuyên truyên cho các cơ quan báo chí truyền thông để có thêm nhiều chương trình quy mô lớn, tăng sức lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, cần tăng chế tài để hạn chế hành vi lệch chuẩn về văn hóa ứng xử.

     TS Nguyễn Viết Chức lại đặt ra câu hỏi: “Bản thân các nhà báo đã trang bị tốt chuẩn mực văn hóa hay chưa?”. Ông cho rằng, chúng ta đang ở trong giai đoạn mới nhưng những chuẩn mực cũ tưởng chừng đã quá lạc hậu vẫn tồn tại trong khi những chuẩn mực mới chưa hình thành nên rất khó áp dụng chuẩn văn hóa. Báo chí chỉ phản ánh cái lệch chuẩn thì chưa phát huy hết vai trò mà trước hết cần xác định rõ chuẩn mực văn hóa là gì, để xác định với những gì lệch chuẩn. Đặc biệt, báo chí phải thể hiện được chuẩn văn hóa của chính mình, của nghề báo.

     Cùng chung quan điểm đó, nhiều đại biểu cho rằng hình thành, xây dựng, định hướng các chuẩn mực về văn hóa ứng xử là một việc lâu dài, phức tạp, cần có sự vào cuộc của cán bộ, ngành trung ương, các cấp, địa phương đặc biệt là sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí. Nhiều đại biểu đề nghị, báo chí cần tiếp tục duy trì, phát huy chuyên mục Người tử tế; các ngành chức năng khuyến khích những tác giả, tờ báo phát hiện, thể hiện tốt những tấm gương tốt.

     Nhà báo Lê Quốc Vinh (4) cho rằng, xu hướng phát triển hiện nay cần chuyển hướng truyền thông một chiều sang truyền thông đối thoại, trong đó báo chí cần nằm trong một hệ thống chiến lược truyền thông tổng thể.

     Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử đã được đề cập nhiều lần và vẫn còn gây tranh cãi. Vì thế, trước mắt phải giải quyết được những vấn đề chính thống đã được mọi người thừa nhận. Điều này sẽ tác động mạnh đến xã hội. Phó Thủ tướng dẫn ra hai việc mà báo chí có thể thực hiện xuyên suốt, tạo thói quen trong xã hội, đó là không chen lấn và bỏ rác đúng nơi quy định. Chỉ cần giải quyết được hai việc này, hình ảnh xã hội Việt Nam cũng nâng lên đáng kể. Ngoài ra, Phó Thủ tướng mong muốn, các nhà báo, nhà văn hóa phải kết hợp với nhau để có những tác phẩm báo chí, sản phẩm tuyên truyền chất lượng, cổ động giá trị văn hóa ứng xử chuẩn mực. Bên cạnh đó, các báo cũng cần có chuyên mục về văn hóa ứng xử kết hợp với các phương thức truyền thông mới, dễ hiểu. Sau hội thảo, Phó Thủ tướng mong rằng, sẽ có nhiều hoạt động tiếp theo trong chủ đề này được thực hiện. Trong đó, việc tuyên truyền phải kiên trì, liên tục. Hình thành chuẩn mực đã quan trọng, để thay đổi hành vi văn hóa ứng xử càng quan trọng. Các bộ, ban ngành nên bắt tay tạo một sự chuyển biến trong văn hóa, bắt đầu từ việc khắc phục thói quen văn hóa ứng xử chưa tốt.

     Từ ý kiến đóng góp, đề xuất của Phó Thủ tướng và các đại biểu, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam sẽ nghiên cứu xây dựng giải thưởng báo chí về văn hóa ứng xử bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác tuyên truyền với Bộ VHTTDL, Bộ Giáo dục - Đào tạo…

     Để hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử và trở thành thói quen của mọi công dân rất cần sự chung tay góp sức của chính bản thân mỗi người, đặc biệt là các cơ quan báo chí, tổ chức, đơn vị trong hệ thống văn hóa từ cơ sở đến trung ương. Thực tế, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đã tích cực xây dựng ban hành quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ như: Đề án Văn hóa công vụ của Chính phủ đã có quy định về tinh thần, thái độ văn hóa ứng xử, đạo đức ứng xử, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức và những quy định khác; Bộ VHTTD đã ban hành thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Bộ Giáo dục - Đào tạo xây dựng Quy tắc ứng xử trong trường học để xây dựng văn hóa trường học lành mạnh; UBND TP Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng… Tuy nhiên, việc thực hiện những quy tắc ứng xử văn hóa còn hạn chế. Do đó, cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí trong việc truyền thông văn hóa ứng xử để giáo dục tư tưởng, tuyên truyền, định hướng hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.

________________

     1. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2019 diễn ra ngày 16-3-2019 do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội.

     2. Phát biểu tại hội thảo của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

     3. Phát biểu tại hội thảo của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

     4. TS Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội văn hóa doanh nhân

 

Tác giả:  Ngô Huyền

Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019

 

;