Top 10 Cổng Game Bắn Cá Trực Tuyến - Ca Xèng

Thương nhớ bến đò xưa

ca xèng

 

Từ bao đời nay, con sông Lạc (hay còn gọi la Lạc Giang), hợp lưu của sông Rác và sông Gia Hội chia đôi bờ Hóa Dục (Cẩm Lĩnh), Nhượng Bạn (Cẩm Nhượng) vẫn xuôi chảy hiền hòa dịu êm và lững lờ rồi đổ ra biển cửa Nhượng quê tôi.

Mấy chục năm nay, những công trình thuỷ lợi như Kẻ Gỗ hay sông Rác được xây nên với mục đích tích nước ngăn dòng để tưới tắm cho những bờ xôi ruộng mật của một vùng đồng bằng huyện Cẩm Xuyên. Cùng với sự biến đổi mạnh mẽ của tự nhiên, nguồn nước và phù sa từ thượng nguồn sông Lạc Giang đổ về biển ngày càng ít đi. Cửa Nhượng, một cửa biển rộng lớn thênh thang từng được ghi chép trong nhiều tài liệu hàng hải, sách lịch sử và thi ca, là luồng lạch để tàu thuyền vào ra ngày càng bị bồi lắng thu hẹp có khi còn trơ đáy. Những hòn cù lao thơ mộng thanh bình thuở xa xưa nằm giữa dòng sông Lạc Giang như cồn Hương, cồn Soi, cồn Bè cũng dần mất hẳn vết tích. Nhìn sự đổi thay của tự nhiên, bao người đã phải thảng thốt nghĩ đến câu “Hương tàn, Soi lở, Bè trôi” mà xót xa..

Mấy năm trước, một cây cầu nối đôi bờ Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh được xây cất. Cây cầu vững chãi bề thế tạo thành điểm nhấn độc đáo trên con đường quốc phòng ven biển Hà Tĩnh, nối từ huyện Lộc Hà, huyện Cẩm Xuyên vào đến huyện Kỳ Anh. Con đường được ví như dải lụa mềm chảy qua bao làng mạc, ruộng đồng; qua những dòng sông và cửa biển; qua xanh thẳm, trùng điệp núi, rừng… Đứng trên cầu, du khách có thể chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc của một vùng non xanh, nước biếc, mây trời giao hòa với nhau. Bởi ở đó, nằm sát với cửa biển là núi Tượng Lĩnh tựa con voi khổng lồ an nhiên vươn vòi hút nước như một sự nhào nặn kỳ vĩ của tạo hóa. Nối liền với núi Tượng Lĩnh nơi có ngọn hải đăng thao thức đêm đêm là dãy núi Giăng Màn (một nhánh của dãy Trường Sơn trùng điệp) kéo dài từ Tây Nam Hà Tĩnh đến Tây Bắc Quảng Bình. Sự ra đời của con đường quốc phòng còn tạo nên tạo động lực thúc đẩy giao thương kết nối giữa Khu Kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh) với những nhà máy, công trình công nghiệp thể hiện vóc dáng vạm vỡ của đất nước thời đổi mới và Khu du lịch Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) nơi có biển xanh cát trắng nắng vàng đẹp như một bài thơ.

Nhìn thuyền bè xuôi ngược trên dòng Lạc Giang, bao ký ức yên đằm tưởng ngủ quên của tuổi thơ trong tôi bỗng dưng ùa về. Nơi đây, xưa kia là bến đò cửa Nhượng. Bến đò là đoạn đầu của chặng đường hơn chục cây số mà bà nội và mẹ tôi cùng người làng thường đòn gánh đè vai cuốc bộ vào buôn bán ở chợ Voi (huyện Kỳ Anh) hay gần hơn là chợ Thá, chợ Lụi, chợ Cầu, chợ Biền (huyện Cẩm Xuyên) đội nắng chang chang vào mùa hè hay đẫm ướt sương giá rét buốt vào mùa đông. Chợ Voi xưa trong ký ức của tôi là nơi bán nhiều nón lá, áo tơi, những vật dụng che nắng che mưa cho bao phận đời phụ nữ nghèo quanh năm dầm mưa dãi nắng… Tuy nhiên, điều tôi nhớ nhất về đất Voi chính là món bánh tày, một đặc sản ngon nổi tiếng mà mỗi lần đi chợ phiên, bà nội và mẹ đều chắt chiu mang về. Chiếc bánh tày chỉ to cỡ bằng nắm tay người lớn, được làm từ nếp thơm, đậu xanh và gói bằng lá chuối rừng. Du khách xuôi ngược trên con đường thiên lý Bắc Nam thường hay ghé lại Voi mua bánh tày để ăn dọc đường hoặc làm quà cho người thân. Bao nhiêu năm xa, cho dù được đi muôn nơi và thưởng thức muôn vàn món ngon vật lạ nhưng mùi thơm của lá chuối, vị béo ngậy của nếp, đậu xanh vẫn quẩn quanh trong trí nhớ đong đầy.

Tôi nhớ những ngày giáp Tết, bà nội và mẹ lại đi chợ sắm sửa bao nhiêu thứ, nào nềp thơm, nào đậu xanh, nào lá dong, nào lá chuối, nào sợi giang và mật mía để làm bánh dâng cúng tổ tiên. Đợi đến Giao thừa thành kính thắp nén hương thơm với ước nguyện, mong cầu giản đơn là cháu con sang năm mới được “chân cứng, đá mềm”, dồi dào sức khỏe…Và để kịp đi những chuyến đò đến phiên chợ ấy, những người bà, người mẹ quê tôi đã phải dậy từ sáng tinh mơ, khi gà mới gáy những tiếng đầu tiên báo hiệu ngày mới bắt đầu. Họ vội vàng sửa soạn những chai nước mắm sóng sánh màu cánh gián đậm đà hương vị biển khơi, những hũ mắm tôm, những gói cá - mực khô, những rổ cá được nướng từ chiều hôm trước cho vào quang gánh rồi tất bật ra bến sông. Kết thúc phiên chợ làng xa, khi các bà, các mẹ bước thấp bước cao về tới nhà, trên những mái tranh trong làng chài bên bờ biển đã bắt đầu tỏa khói lam chiều. Thức khuya dậy sớm để lao động và tảo tần mưu sinh đã hun đúc nên ở những người phụ nữ ấy sự dẻo dai bền bỉ đến phi thường.

Biển, sông có những ngày bình yên nhưng cũng có những ngày giông bão. Vào những ngày biển động, mưa gió, con đò nhỏ lắc lư chồng chềnh giữa dòng sông mênh mông sóng nước với bao hiểm nguy rình rập. Chỉ một khúc sông ngắn vậy mà biết bao bà mẹ đi mãi không về. Tại nơi bến đò năm xưa ấy, bạn tôi đỏ hoe mắt nháo nhác cùng đoàn người đi tìm mẹ…

Khúc sông gần cửa Nhượng, nơi có những chuyến đò ngang không chỉ “chở” áo cơm, đèn sách, tương lai của bao thế hệ con người nơi đây mà còn chở nặng ân tình, ước vọng của những người phụ nữ sớm khuya xuôi ngược. Hình ảnh những bà những mẹ đi chân đất, xắn quần đến gối, đòn gánh đè vai nâng đỡ chúng tôi trên đường dài vạn dặm… Rồi một ngày cây cầu được xây để nối đôi bờ, những con đò ngang cứ thưa dần thưa dần và vắng bóng hẳn…

Phụ nữ thời hiện đại có lẽ không còn cơ hội để gồng gánh giang sơn như những bà, những mẹ thuở trước. Những đứa trẻ làng tôi không còn ra bến sông hóng mẹ như câu hát xa vắng vọng về. Giữa chốn thị thành bộn bề và hối hả với cuộc sống đời thường bao nỗi lo toan, đôi lúc trong tôi hình ảnh con đò quê chở bao thương nhớ hiện về khắc khoải...

 

NGUYỄN TRỌNG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 528, tháng 3-2023

 

;